Choáng ngợp khu mộ cổ của bá hộ giàu nhất Sài Gòn xưa
Nằm tọa lạc trong hẻm 79/30 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM) là cổ mộ rộng khoảng 100 m2 và được xây từ 110 năm trước của vợ chồng ông Lý Tường Quan (tức bá hộ Xường) - người đứng thứ ba trong bốn người giàu có nhất Sài Gòn xưa.
Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, sinh năm 1842, mất năm 1896. Do ông còn có tên là Xường, lại rất giàu có nên người ta còn gọi là Bá hộ Xường hay Hộ Xường. Ở thời kỳ đầu Pháp đến chiếm đóng Việt Nam, trong dân gian có câu: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Khu mộ được xây bằng đá, có tường rào, mái che, họa tiết chạm khắc công phu. Hơn 100 năm qua nhưng quần thể mộ cổ vẫn được bảo quản khá tốt.
Đây là một trong ba cổ mộ được TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Mộ cụ Lý Tường Quan mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa: có nhà mồ, mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa, trên vòm cửa có chữ Lý (Hán tự, chỉ họ Lý); hai bên trang trí dây leo hoa lá, trái quả... Hai bên cửa vào có cặp liễn khắc chữ Hán (tạm dịch: “Nước biếc uốn quanh đất phẳng, uy lực rồng xanh ứng vào chánh huyệt. Gió lành thông trăm nẻo, khí thiêng cọp trắng hộ trì minh đường”).
Trước mộ có hai bức bức tượng người, gồm một nam một nữ, mang tên là Lương Phước Thắng và Kiều Thoại Hương. Giữa hai bức tượng là hương án bằng đá, phía trên có lư hương cũng bằng đá được tạo dáng đẹp và chạm khắc công phu. Sau lư hương là bia trước của ngôi mộ.
Bia đá có ba hàng chữ Hán (dịch nghĩa: “Phần mộ của ông hiển khảo Lý Tường Quan, nhận chức chánh đại phu vào đời thứ 26 nhà Thanh. Ngày lành, tháng tốt, năm Bính Thân: các con trai là Thanh Huy, Thanh Vân, Thanh Châu, Thanh Đẩu, Thanh Sĩ, Thanh Lan và các cháu là Văn Mạnh, Văn Quý, Văn Tài, Văn Tú, Văn Nguyên cùng lập mộ”).
Sau tấm bia là mộ, với bốn mặt thành mộ bằng đá, phía trên mộ phủ cát vàng. Mộ dài 3,64 m, rộng 2,45 m, cao 0,77 m.
Hai vách thành phải trái khắc hình các con thú: dê, khỉ, ngựa, hươu… Riêng vách thành sau khắc hình lân mã. Bốn góc mộ có các trụ vuông được chạm trổ rất tinh xảo.
Mặt ngoài các cột có phù điêu hình người, chim cảnh.
Trên đầu mỗi trụ cột có chạm hình các đĩa quả đặc sản Nam Bộ như xoài, mãng cầu, thơm…
Sau mộ, có bia đá lớn khắc hơn 300 chữ Hán, nội dung là tiểu sử và sự nghiệp của cụ Lý Tường Quan.
Một tấm hình đặt thờ trong khu cổ mộ.
Trần nhà mộ hình vòm, bốn góc trang trí hoa văn dây hoa cúc đối xứng.
Đường nét kiến trúc tinh xảo của khu mộ cổ.
Sân trước nhà mộ còn có hai ghế đá tựa lớn đặt ở hai bên, làm nơi nghỉ cho người nhà họ Lý khi đến thăm mộ. Hai chân trước của ghế được tạo dáng giống như hai chân trước của con sư tử.
Mái nhà mộ được lợp ngói ống màu xanh. Trên đỉnh mái ngói có hình bán nguyệt lớn, bên trong đắp nổi một số hình như: bát nhang, lọ hoa, dĩa trái cây, hai bên là hai đầu rồng bằng gốm sứ.
Họa tiết trên mái ngói vẫn còn nguyên vẹn dù đã hơn trăm năm.
Bên trái nhà mồ là mộ cụ bà Nguyễn Thị Lâu - vợ ông Bá hộ Xường. Ngôi mộ không được xây hoành tráng như của mộ chồng nhưng cũng có tường bao mộ, sân mộ, bia trước, nấm mộ và bia sau mộ.
Bia trước mộ của bà Nguyễn Thị Lâu.
Cả hai ngôi mộ của ông Lý Tường Quan và bà Nguyễn Thị Lâu đều là di sản quý giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và chạm khắc trang trí của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Ở TP.HCM, ngoài cổ mộ của ông Lý Tường Quan ở quận Tân Phú, tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) còn một trong những căn nhà của ông sống lúc sinh thời. Ngôi nhà hiện là từ đường của dòng họ Lý tại Sài Gòn và cũng là di tích được TP công nhận, lưu giữ.