Chở xác người bằng xe máy dễ lây lan mầm bệnh

Sự kiện: Thời sự

“Dùng xe máy chở thi thể bệnh nhân tử vong là vi phạm vệ sinh môi trường và phản cảm về mặt xã hội”.

Chở xác người bằng xe máy dễ lây lan mầm bệnh - 1

Do không có tiền thuê xe ô tô nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể về mai táng (Ảnh: Tùng Hải)

Ngày 14.9, Công an tỉnh Sơn La cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin người đàn ông đi xe máy di chuyển qua TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) chở một vật thể giống như thi thể người phía sau, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh.

Theo điều tra, danh tính người chết là chị P, trú ở xã Mường Dại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Chị P mắc chứng bệnh lao phổi được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La  (tỉnh Sơn La). Do bị bệnh nặng, chị P đã tử vong.

Do không có tiền thuê xe ô tô nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể từ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La về nhà để mai táng.

Dễ lây lan mầm bệnh trong cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết, dùng xe máy chở thi thể bệnh nhân tử vong là vi phạm vệ sinh môi trường và phản cảm về mặt xã hội.

Chuyên gia lý giải, việc tự vận chuyển một mầm bệnh ra cộng đồng có nguy cơ dẫn đến lây lan, phát tán mầm bệnh trong cộng đồng. Hơn nữa, Luật Giao thông cũng quy định các phương tiện vận chuyển hành khách thông thường không được vận chuyển tử thi.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng bày tỏ sự không đồng tình về việc vận chuyển xác bệnh nhân bằng xe máy. 

“Điều này có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là đối với người tử vong do bệnh truyền nhiễm”, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Ông Dũng lý giải, bệnh dịch truyền nhiễm (mầm bệnh có virus, vi khuẩn  gây ra, có thể lây lan nhanh chóng ra cộng đồng. Nguồn lây của các bệnh truyền nhiễm có thể là người hoặc động vật nhiễm bệnh. Đường lây truyền là cách mà mầm bệnh xâm nhập cơ thể người để gây bệnh. Mỗi mầm bệnh có những cách riêng để lây lan từ người bệnh hoặc người nhiễm sang người lành, có những mầm bệnh có nhiều cách lây bệnh.

Những đường lây bệnh thường gặp là: Lây qua đường hô hấp, Lây qua đường tiêu hóa, lây qua đường tiếp xúc….

Trong trường hợp này, bác sĩ Dũng cho biết, nếu gia đình không có điều kiện có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ bệnh viện, từ người xung quanh, từ cộng đồng.

Đề xuất hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thông thường, bệnh viện không có nhiệm vụ vận chuyển tử thi. Vì ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên chi cho việc vận chuyển cứu người. Ngoài ra, Ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện theo số giường bệnh, dùng để chi trả cho tiền xăng xe, vật tư, điện nước và trả lương nhân viên.

“Nếu quỹ bệnh viện bị cắt chi cho những việc như thế này thì đương nhiên quỹ lương dành cho nhân viên sẽ bị sụt giảm. Tuy vậy, đôi khi có tình trạng người nhà bỏ mặc tử thi tại bệnh viện. Lúc này, bệnh viện phải đi chôn nên nhiều khi bệnh viện phải hỗ trợ xe (tức là đã xén vào đời sống của nhân viên)”, ông Cấp nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất, cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo, chung tay từ nhiều phía như: Bệnh viện, chính quyền điạ phương, ngành Lao động - TB- XH. Trong trường hợp, nếu người nhà bệnh nhân cố tình không tuân thủ thì cần cả sự vào cuộc của Cảnh sát môi trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, ông đã nắm được thông tin “chở xác người bằng xe máy ở Sơn La” và sẽ phản hồi sau khi nghe báo cáo từ phía Sở Y tế Sơn La.

Về quy định giải quyết bệnh nhân tử vong, đại diện Cục Khám chữa bệnh cho biết, thông thường việc mai táng người bệnh tử vong do gia đình người bệnh thực hiện. Nếu người bệnh tử vong mắc các bệnh truyền nhiễm phải được tẩy uế, tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân chết ở bệnh viện thì bệnh viện cần phải quyết đoán hơn trong việc ngăn cản người nhà đưa thi thể người bệnh về không đúng cách. Vì vận chuyển thi thể bằng xe máy là sai quy định.

Ngoài ra, hiện nay cũng không có quy định bắt buộc bệnh viện phải có trách nhiệm vận chuyển tử thi mà chỉ có hỗ trợ xe (tùy từng điều kiện của bệnh viện). Vì bệnh viện phải ưu tiên đảm bảo xe cứu thương để phục vụ bệnh nhân sống, nên việc có hỗ trợ bệnh nhân tử vong tùy thuộc khả năng bệnh viện có dư xe hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN