Cho phép người đồng tính chung sống?

Văn phòng Chính phủ vừa đề xuất công nhận chung sống có đăng ký cho người đồng tính.

Sau khi đi thăm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại thành phố Hồ Chí Minh (nhóm LGBT) và làm việc với chi nhánh của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra đề xuất công nhận chung sống có đăng ký cho người đồng tính.

Cụ thể, đề xuất nêu rõ: “Nên nghiên cứu để công nhận hình thức kết hợp dân sự hoặc chung sống có đăng ký được áp dụng chung cho mọi trường hợp cặp đôi không phân biệt giới tính hoặc chỉ áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới”.

Cho phép người đồng tính chung sống? - 1

Một số đám cưới đồng tính gây "sốt" trong thời gian qua

Báo cáo của đoàn công tác liên ngành đã đưa ra nhiều đề xuất về người đồng tính và vấn đề hợp pháp hóa quan hệ cùng giới. Báo cáo khẳng định đồng tính là một xu hướng tình dục tự nhiên, vì vậy việc thừa nhận quyền chung sống với nhau của những người đồng tính cũng là lẽ tự nhiên, pháp luật không nên ngăn cản.

Báo cáo chỉ ra mâu thuẫn pháp lý trong Luật Hôn nhân gia đình giữa việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5 điều 10) và cấm cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn (khoản 2 điều 4).

Do đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Ban soạn thảo luật Hôn nhân và Gia đình cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm tâm sinh lý của người đồng tính, song tính và chuyển giới, đánh giá tác động của các quy định pháp luật trong tất cả phương án được đặt ra, để lựa chọn phương án khả thi nhất, đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân.

Trên thực tế, đã có nhiều đám cưới đồng tính được tổ chức công khai. Gần đây nhất, vào tháng 2/2012, tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi - Cà Mau, đám cưới của “cô dâu” Nguyễn Vạn N. (20 tuổi) và “chú rể” Nguyễn Thị N. (21 tuổi) đã diễn ra và bị chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn.

Đám cưới đồng giới đầu tiên gây chấn động Việt Nam diễn ra vào ngày 14/12/2010 giữa hai cô gái 19 tuổi được tổ chức tại Hà Nội, với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, người thân cùng khoảng 100 khách mời.

Tiếp đến, giữa năm 2011, cư dân mạng lại “sốt” với một đám cưới đồng tính nam tại Tp.HCM. Đám cưới của họ được chuẩn bị công phu từ việc làm album đến tổ chức tiệc một cách hoành tráng. Cả hai đều cười rạng rỡ, hạnh phúc trong ngày cưới nhưng vắng mặt “tứ thân phụ mẫu”...

Trong khi đó, nhiều luật sư nhận định rằng, hôn nhân đồng giới không phải là hiếm và cũng không phải là hiện tượng xấu xa, lệch lạc, bệnh hoạn cần phải lên án như những tệ nạn ma túy, mại dâm. Vì thế, những người cùng giới có quyền được kết hôn, có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho hôn nhân khác giới.

Một số nước cho phép kết hôn đồng giới

Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới từ năm 2001. Sau đó, 9 quốc gia khác (Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Argentina) và một số tiểu bang ở Mỹ cùng với thủ đô Mexico (TP Mexico) cũng cho phép hôn nhân đồng giới. Ở 16 quốc gia khác, những người cùng giới có thể kết hợp dân sự với nhau.

(Nguồn: Bách khoa toàn thư mở)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Vi (VOV Giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN