Cho phép... đào di tích quốc gia
Một phần của di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ (Phú Yên) được Sở VH-TT&DL tỉnh này cho phép đào phá, bất chấp Luật di sản văn hóa.
Ngày 13/6, con đường nối từ quốc lộ 25 băng ngang qua bờ nam di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ ầm ào những chiếc xe tải, xe công nông qua lại chở cát từ lòng sông Ba đem bán cho người có nhu cầu. Việc khai thác cát do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (HTX Phú Hòa) thực hiện hơn bốn tháng qua.
Ông Nguyễn Quang Thu - chủ nhiệm HTX Phú Hòa - cho biết HTX sẽ khai thác cát ở sông Ba đến hết tháng 10/2012 (theo giấy phép do UBND tỉnh Phú Yên cấp) và con đường duy nhất để vận chuyển cát từ sông vào vẫn là băng qua bờ nam Thành Hồ (thuộc khu vực bảo vệ I - phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian theo Luật di sản văn hóa). Cũng theo ông Thu, lúc đầu chỉ tính đi vòng qua đất của dân, song do không thỏa thuận được chi phí nên phải xin cơ quan chức năng... đào bờ nam Thành Hồ làm đường.
Xe công nông chở cát đi qua đoạn thành bị đào bới để làm đường - Ảnh: Duy Thanh
Trước đó ngày 31/8/2011, UBND huyện Phú Hòa đã làm văn bản xin ý kiến Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên và sở này có công văn trả lời với nội dung: "Ðồng ý cho UBND huyện Phú Hòa mở đường công vụ đi qua bờ Thành Hồ (bờ phía nam giáp với sông Ba) như văn bản đã trình: hạ thấp chiều cao bờ Thành Hồ khoảng 0,5m, chiều rộng 2,5m, chiều dài 3m" và "khôi phục hiện trạng ban đầu của bờ Thành Hồ khi ngừng khai thác cát". Ông Thu thừa nhận tháng 2/2012 đã đào bờ Thành Hồ hơn mức cho phép, cụ thể là đào chiều cao hơn 1m, chiều rộng khoảng 3m để tạo thuận lợi cho xe ra vào chở cát.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Ðàn - ở Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế, đã khảo sát Thành Hồ năm 2011 - cho rằng bờ nam Thành Hồ là một bộ phận của di tích Thành Hồ bắt buộc phải bảo tồn.
"Không thể đào thành cổ lên xong rồi lấp lại như cũ được. Thành Hồ và nhiều thành Chăm khác ở miền Trung có một quá trình tu bổ và sử dụng qua nhiều lớp chủ nhân khác nhau, khi khai quật nghiên cứu khảo cổ học sẽ thấy có nhiều lớp văn hóa cụ thể, là tài liệu cực kỳ quan trọng để nghiên cứu. Còn khi đào nó ra rồi, xong việc lấp lại cho có hình dáng như cũ nhưng bên trong nó thì không còn gì nữa, không có giá trị gì cho nghiên cứu về sau cả. Ðó là điều không thể chấp nhận được" - ông Ðàn bày tỏ.
Trong khi đó, ông Phan Ðình Phùng - giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên, người ký văn bản cho phép đào bờ nam Thành Hồ - lại nói: "Chúng tôi thấy việc làm đó chỉ tác động một tỉ lệ nhỏ so với tổng thể của di tích nên không ảnh hưởng gì. Với mức độ không làm thay đổi lớn hiện trạng, không làm biến dạng di tích như vậy thì ở cấp địa phương có thể cho phép được, không phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL"(!).
Ngày 13/6, ông Trần Quang Nhất - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói: "Tôi mới biết việc cho mở đường đi qua bờ nam di tích Thành Hồ. Tôi yêu cầu Sở VH-TT&DL kiểm tra ngay hệ thống văn bản cho phép này xem đúng sai thế nào, báo cáo cho UBND tỉnh biết để xem xét, xử lý."
Cần dừng gấp việc xâm hại di tích Theo TS Lê Ðình Phụng - trưởng phòng khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học VN, người chủ trì các cuộc khai quật khảo cổ học ở Thành Hồ - thì đây là một tòa thành Chăm cổ có niên đại tương đương với hai thành Trà Kiệu, Cổ Lũy; là một quần thể di tích rất có giá trị về mặt văn hóa nên mới được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích khảo cổ quốc gia năm 2005. Khi hay tin bờ nam di tích Thành Hồ bị cho phép đào làm đường chở cát, TS Lê Ðình Phụng bức xúc: "Với di tích được xếp hạng cấp quốc gia thì phải được bảo vệ chặt chẽ theo các quy định trong Luật di sản văn hóa, phải giữ nguyên trạng và ứng xử đúng với giá trị của nó. Tôi rất ngỡ ngàng khi biết Sở VH-TT&DL Phú Yên dám cấp phép cho đào bờ nam Thành Hồ, xâm hại di tích quốc gia nghiêm trọng như thế. Cần phải dừng gấp việc này, đồng thời xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân xâm hại di tích". |