Chó, mèo chết phải báo tử với phường, xã
"Nếu như chó mèo chết thì chủ hộ chỉ cần lên khai báo với cấp phường, xã về nguyên nhân chết của chó mèo, và bên thú y sẽ dựa vào đó để theo dõi, quản lý".
Với thông tin chó, mèo phải đăng ký chính chủ và cơ quan Thú ý sẽ cấp số để quản lý khiến dư luận không khỏi xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều. Để làm rõ thực hư vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quang Minh – Phó trưởng phòng Dịch tễ Cục thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PV: - Xin ông cho biết, thực chất của việc đăng ký chó mèo chính chủ là như thế nào?
Ông Phan Quang Minh: Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thực chất đó là đăng ký cấp sổ chứ không phải là đăng ký cấp số. Đăng ký cấp sổ có nghĩa là mỗi nhà đăng ký xem nuôi bao nhiêu con chó, mèo sau đó được cấp sổ để theo dõi, đến đợt thì mang đi tiêm phòng. Còn nếu là cấp số thì mới là đánh số từng con một, quản lý theo kiểu như cấp chứng minh thư.
Nhưng ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa cấp số và cấp sổ. Theo như tôi hiểu thì có lẽ trong bản kế hoạch mới đây, một số đơn vị báo đài đọc không kỹ, bên trên là cấp sổ, bên dưới là cấp số dẫn đến việc hiểu lầm không đáng có này.
Trang 5, bản Kế hoạch Khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 kèm theo Quyết định số 2891/QĐ-BNN-TY ngày 14/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi rõ là cấp số.
- Vậy việc cấp sổ đăng ký chó mèo là như thế nào, thưa ông?
Cấp sổ đăng ký chó mèo là thông tư được ban hành từ năm 2009. Thông tư 48/2009 về hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật và đơn vị chúng tôi (Phòng dịch tễ) chính là đơn vị soạn thảo ra thông tư này. Còn cái mới đây thì chỉ là kế hoạch trong chiến dịch phòng chống bệnh dại chứ không hề có thông tư, quyết định nào gọi là phải đăng ký chó mèo chính chủ. Đó chính là sự nhầm lẫn ở đây.
Theo như thông tư 48/2009 thì tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó.
Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô… Các xã, phường phải có sổ ghi chép số lượng chó nuôi, loài giống. Hàng năm, vào tháng 3 thú y xã, phường phải thống kê số chó, mèo nuôi trên địa bàn xã, phường và báo cáo Trạm Thú y các quận, huyện thị, để xây dựng kế hoạch tiêm phòng định kỳ và bổ sung.
- Nếu như sau đăng ký xong chó mèo chết hoặc bị bắt trộm thì các hộ gia đình phải làm sao?
Nếu như chó mèo chết thì chủ hộ chỉ cần lên khai báo với cấp phường, xã về nguyên nhân chết của chó mèo, và bên thú y sẽ dựa vào đó để theo dõi, quản lý. Còn chó mèo bị bắt trộm thì cũng tương tự như vậy thôi. Chỉ cần khai báo là mất trộm.
Các hộ gia đình sẽ được cấp sổ để theo dõi tiêm phòng cho chó mèo
- Vậy đối với những hộ gia đình không tiến hành khai báo số lượng chó, mèo đang nuôi, hoặc không đưa đi tiêm phòng, không khai báo chó mèo chết, thì có bị xử phạt hành chính không?
Vấn đề xử phạt hành chính thì không thuộc bên Dịch tễ nên tôi không nắm rõ lắm. Chỉ biết hiện tại là Bộ Nông nghiệp đang lên kế hoạch phối hợp với bên Cục Thú y, Cục chăn nuôi thủy sản để chuẩn bị đưa ra một nghị định mới về việc xử phạt hành chính đối với những hộ gia đình không chấp hành việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản…
Dự kiến là Nghị định này sẽ được ban hành trong năm nay.
- Vậy trong thời gian sắp tới, phòng Dịch tễ có ý định đưa ra dự thảo về việc đăng ký chó mèo chính chủ không?
Sau này thì chưa biết, nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc chó mèo phải đăng ký chính chủ hay quản lý theo kiểu cấp số chứng minh. Hiện tại chúng tôi vẫn quản lý chó mèo dựa trên sự tự giác của người dân, khai báo với đơn vị thú y cấp phường, xã và đưa chó mèo đi tiêm chủng đúng quy định.
Còn quy định mới này thì cũng có thể một thời gian nữa sẽ có, nhưng chắc chỉ dừng lại ở việc đăng ký nguồn gốc xuất xứ và độ tuổi thôi, chứ không phải là cấp số cho từng con một để quản lý.
Xin cảm ơn ông!