Cho mang thai hộ, cấm nhận tiền chăm sóc

Quan điểm được đưa vào luật là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng người mang thai hộ không được phép nhận tiền thù lao, kể cả hỗ trợ chăm sóc thai.

Một trong những nội dung quan trọng vừa được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình là quy định “mang thai hộ”. Bộ Tư pháp đề xuất cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Theo Bộ Tư pháp, trước đến nay xuất hiện một số hình thức đẻ thuê mà luật pháp không có quy định về điều này. Dự án Luật HN&GĐ (sửa đổi) lần này đã bổ sung nội dung mang thai hộ nhưng phải vì mục đích nhân đạo. Theo đó Luật pháp cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, không vì lợi ích kinh tế của cả hai bên. 

Theo Dự thảo, người mang thai hộ, vợ chồng người mang thai hộ (gọi là bên mang thai hộ) có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ từ lúc bắt đầu mang thai cho đến khi giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

Bên mang thai hộ không có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ hỗ trợ tài sản hoặc thu nhập cho việc mang thai, kể cả hỗ trợ cho việc chăm sóc thai.

Nếu vì lý do chính đáng phù hợp với quy định của Bộ Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, người mang thai hộ có quyền quyết định về việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai hộ.

Cho mang thai hộ, cấm nhận tiền chăm sóc - 1

Người mang thai hộ không được phép nhận tiền thù lao, kể cả hỗ trợ chăm sóc thai. Ảnh minh họa

Trong Dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tư pháp đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định, người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ.

Một phương án khác là vợ chồng có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ trong trường hợp không có người thân thích để mang thai hộ.

Bộ Tư pháp cho biết, hiện còn một luồng ý kiến khác cho rằng, cần nghiêm cấm việc mang thai hộ. Theo quan điểm này, mang thai hộ là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có thể mang lại nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội. Mang thai hộ cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Trong Tờ trình gửi xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tư pháp vẫn bày tỏ quan điểm ủng hộ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng.

Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn mục đích thương mại, theo Bộ Tư pháp, việc mang thai hộ nhân đạo sẽ được thực hiện trên cơ sở quy định chặt chẽ, cụ thể về người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên; trách nhiệm pháp lý (dân sự, hành chính, hình sự) của các bên…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN