Chỉnh trang bến Bạch Đằng: Tiền đề quy hoạch ven sông Sài Gòn

Sự kiện: Tin ngắn

Theo các chuyên gia, việc cải tạo, chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng đã đem đến nhiều hiệu ứng tốt và được sự hưởng ứng của người dân TP.HCM.

Sau khi TP.HCM hoàn thành chỉnh trang, Công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm thu hút nhiều người dân tham quan, ngắm cảnh. Kết hợp với cải tạo, trùng tu các công trình lịch sử dọc khu vực này, Công viên bến Bạch Đằng được xem là điểm kết nối để tạo cảnh quan xuyên suốt, có nhiều giá trị.

Người dân hào hứng với bến Bạch Đằng

“Tết vừa qua, người dân rất hào hứng tham quan, ngắm cảnh khu vực Công viên bến Bạch Đằng. Đó là tín hiệu tốt, người dân rất mừng. Cơ quan chức năng cũng cảm thấy vui với công trình đầu năm phù hợp với định hướng, nguyện vọng của người dân” - kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Công viên bến Bạch Đằng sau khi trùng tu nhìn từ trên cao. Ảnh: HV

Công viên bến Bạch Đằng sau khi trùng tu nhìn từ trên cao. Ảnh: HV

Theo ông Thụ, khu vực này ngoài Công viên bến Bạch Đằng còn nhiều công trình dọc bến như cột cờ Thủ Ngữ, bến Nhà Rồng, Công trường Mê Linh với tượng đài Trần Hưng Đạo. Các công trình kiến trúc này không chỉ mang giá trị về mặt cảnh quan đô thị mà còn là giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống.

“Một bên là dòng sông Sài Gòn - di sản thiên nhiên, một bên là các công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc, truyền thống cách mạng quý giá. Ngoài ra, ý tưởng thiết kế hoa sen ở Công viên bến Bạch Đằng cũng mang nhiều ý nghĩa với người dân Việt Nam” - ông Thụ chia sẻ.

Ông Thụ cho biết thêm, thời gian tới, Sở QH-KT sẽ tiếp tục cải tạo vỉa hè bên phía còn lại của đường Tôn Đức Thắng với các công tác như trồng cây, lát vỉa hè, chiếu sáng, thùng rác đẹp… Còn các thiếu sót như thiếu cây xanh, bãi giữ xe, các dịch vụ khác thì cơ quan chức năng sẽ tiếp thu và điều chỉnh trong thời gian tới.

Lúc đó, cùng với việc hai bên đường đi qua, đi lại thuận lợi hơn thì khu vực này sẽ trở thành điểm nhấn, nối tiếp xuyên suốt cảng Nhà Rồng, cầu Tân Thuận, nối lên cầu Sài Gòn đi qua khu Landmark 81.

Theo ông Thụ, chuỗi cảnh quan này kết hợp với đề án "Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045" đã được phê duyệt, hình thành chuỗi hoạt động kinh tế về đêm, ăn uống, vui chơi, mua sắm, gặp gỡ…

Tiền đề cho quy hoạch ven sông

Ông Thụ cũng khẳng định thành công của Công viên bến Bạch Đằng đem đến sự quyết tâm của TP. Được sự ủng hộ của người dân là sự động viên tinh thần của TP làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

“Việc làm được người dân hưởng ứng, có nhiều lợi ích, chúng ta nên phát huy, làm thêm. Trước mắt là làm dọc bến Bạch Đằng, rồi sau nhiều bờ sông, bờ rạch, bờ hồ, bờ ao, nhiều công viên ven sông sẽ được hình thành” - ông Thụ nêu ý kiến.

Theo ông Thụ, trong quy hoạch chung TP đã định hướng về cải tạo cảnh quan ven sông nhưng làm sao để có nguồn lực đầu tư, có cách nào huy động nguồn lực xã hội hóa, có cơ chế tốt để doanh nghiệp cùng chung tay làm thì sẽ được thuận lợi hơn nhiều.

Đồng tình, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng việc chỉnh trang ven sông Sài Gòn, trong đó có bến Bạch Đằng, là đúng đắn, chủ trương tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý chỉnh trang bến Bạch Đằng phải nằm trong tổng thể việc quy hoạch ven sông Sài Gòn. Vì TP.HCM vốn là đô thị sông nước nhưng lâu nay ven sông còn khá nhếch nhác, chưa xứng tầm với TP. Ngoài ra, TP cần làm sao để có thể kết nối hai bờ đông tây, kết nối với Thủ Thiêm một cách tốt hơn.

“Chúng ta cần có thêm cây xanh cho công viên. Quy hoạch bến Bạch Đằng cũng cần đi với chỉnh trang ven sông và cần có kế hoạch toàn diện kết hợp với làm đường hầm…” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư buýt đường sông), cũng chia sẻ: “Tôi rất mơ ước hai bên bờ sông Sài Gòn chỗ nào cũng khang trang, sạch đẹp, có không gian công cộng, có bến để du khách dùng phương tiện thủy du lịch trên sông”.

Là một trong những đơn vị đồng hành, hỗ trợ TP trong việc cải tạo một phần bến Bạch Đằng và Công trường Mê Linh, ông Toản cho biết mình đã trực tiếp đến công trường để xem xét công tác thi công, trùng tu sao cho đúng với thiết kế của TP.

“Văn hóa lịch sử Sài Gòn 300 năm là trên bến dưới thuyền. Đó là di sản mà chúng ta sống, tâm tư, hạnh phúc với di sản đó. Với tâm huyết đó, việc làm đẹp Công viên bến Bạch Đằng tôi phải tham gia, sức tới đâu tham gia tới đó” - ông Toản nói thêm.

Với Công trường Mê Linh, các đơn vị chức năng đã phải rất cẩn thận, chăm chút, tỉ mỉ trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo, là nơi tôn nghiêm, thiêng liêng của dân tộc.

“Đến nay, việc trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo đã gần như hoàn thành, tôi cảm thấy rất vui. Theo kế hoạch trong tháng 3, việc cải tạo Công trường Mê Linh và trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo sẽ hoàn tất” - ông Toản thông tin.

Có nên làm cầu vượt phố đi bộ Nguyễn Huệ?

Đại diện Sở QH-KT TP cho biết đã có nhiều ý kiến về việc làm cầu vượt trên cao từ đường đi bộ Nguyễn Huệ kết nối với bến Bạch Đằng. Tuy nhiên làm sao để kết nối đó đẹp, hài hòa, thuận lợi (cầu đi lên phải phù hợp cho người già, trẻ em) thì cần phải lưu ý.

Cũng có lo ngại là cầu vượt đó thiết kế không được đẹp, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị nên phải có thiết kế phù hợp. Chẳng hạn kết nối qua sông Sài Gòn, có những vị trí ta nên làm cầu đi bộ chất lượng cao, chiếu sáng mỹ thuật, thuận tiện cho mọi người, cả người lớn tuổi, trẻ em.

Còn trong tương lai khi đường Tôn Đức Thắng được hóa ngầm thì sẽ tính toán kết nối sau.

Vẻ hiện đại ở công viên bên bờ sông Sài Gòn sau cải tạo

Công viên bến Bạch Đằng, quận 1 được cải tạo mới thông thoáng, hiện đại hơn, dự kiến là điểm hẹn thu hút người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Cường ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN