Chính thức xác định mộ phần danh tướng Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Quảng Bình
Mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Quảng Bình vừa được các nhà am tường văn hóa địa phương tìm thấy và công bố sau một thời gian cất công điền dã, thực địa, tìm hiểu gia phả.
Trao đổi với Báo Người Lao Động Online, ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thông tin ông cùng đoàn công tác vừa tổ chức kiểm tra thực địa, thắp hương và xác minh thông tin mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân (1842-1897) - thủ lĩnh phong trào Cần Vương.
Trước đó, mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân - được các thành viên Chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Ba Đồn - Quảng Trạch phát hiện và công bố tìm thấy tại nghĩa trang gia tộc Nguyễn Phạm ở thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch.
Ông Nguyễn Tiến Nên - thành viên Chi hội VHNT Ba Đồn - Quảng Trạch cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, ông nhờ cán bộ các xã tìm hiểu các dòng tộc và xuất hiện dòng tộc Nguyễn Phạm ở thôn Di Lộc. Sau khi ông tìm hiểu tư liệu, đối chiếu lịch sử và thực hiện hàng chục cuộc điền dã, phỏng vấn, ghi nhận đối với những người trong gia tộc họ Nguyễn Phạm thì đã xác định mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân được cải táng trong nghĩa trang dòng họ trên Đồng Cát.
Bia mộ danh tướng đã phai hết chữ, rất khó đọc
Theo ông Nên, mộ phần danh tướng nằm hiu quạnh trong nghĩa trang, tấm bia đá nhỏ trên phần mộ đã phai hết chữ rất khó đọc. Chỉ đề vài dòng vắn tắt, tên họ Nguyễn Phạm Tuân, không có năm sinh công trạng chỉ có một dòng đề rằng: "Theo vua Hàm Nghi".
Ông Nên cũng nói các lãnh binh từng theo cụ Nguyễn Phạm Tuân kháng chiến, như: Mai Lượng, Lê Mô Khởi, Lê Trực thì mộ phần được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Lần này tìm được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là một mong mỏi của giới sử học và muốn mộ ông được công nhân là di tích lịch sử cho hậu thế biết tấm gương yêu nước của danh tướng Cần Vương này.
Lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch đến thắp hương, xác minh thông tin về mộ phần danh tướng
Ông Nguyễn Xuân Đạt - Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch cho biết việc tìm thấy mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là một việc rất có ý nghĩa. Trong chức trách địa phương, chúng tôi sẽ có các đề nghị để mộ cụ trước mắt được UBND tỉnh xem xét đánh giá là di tích lịch sử cấp tỉnh và tiến tới đề nghị Trung ương xem xét là di tích lịch sử cấp quốc gia như mộ lãnh binh Mai Lượng (Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn), Lê Trực (Hóa Tiến, huyện Tuyên Hóa).
Danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là ai? Theo các tư liệu, Nguyễn Phạm Tuân (1842-1897). Tự là Tử Trai, sau cải lại Dưỡng Tăng, hiệu là Minh Phong ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là TP Đồng Hới) trong một gia đình nho học, nhiều đời cha con cùng thi đỗ đồng khoa, nhiều đời là công thần nhà Lê. Vốn xưa là họ Phạm, chính quê ở phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì phạm tội phải trốn tránh vào Thuận Hóa đổi ra họ Nguyễn để khỏi bị truy lùng. Ông đỗ cử nhân năm 1873; làm tri phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1883, khi được tin triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp, Nguyễn Phạm Tuân đã treo ấn từ quan. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông đã cùng với các tầng lớp sĩ phu yêu nước đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, tập hợp binh lính lên vùng Tuyên Hóa, tìm gặp vua Hàm Nghi xin đi theo đánh Pháp; được nhà vua phong chức Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình. Năm 1886, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, đã trao toàn quyền quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Ông lập căn cứ ở vùng Tuyên Hóa, nghĩa quân của ông chiến đấu rất dũng cảm và đã lập được nhiều chiến công, có lần đã đột nhập thành Quảng Bình giết Bố chánh Nguyễn Đình Dương tại Đồng Hới. Đầu năm 1887, quân Pháp do tên đại uý Mutô (Mouteaux) cầm đầu, tổ chức hai đội biệt kích đánh vào căn cứ Yên Lương. Ông chống cự lại rất quyết liệt, nhưng bị trúng đạn ở ngực, rồi bị giặc bắt giải về đồn Minh Cầm. Giặc tìm mọi cách mua chuộc để tìm chỗ ở của vua Hàm Nghi, nhưng trước sau ông không chịu khai và bị nhục hình. Sau đó, ông dũng cảm tự vẫn, khiến tướng Pháp giận giữ, điên tiết sai lính chặt đầu, quẳng xác ông xuống sông Gianh, cấm người dân an táng. Tuy nhiên lãnh binh Cần Vương đã vớt tìm thi thể danh tướng (không ra đầu), lén đưa di chôn cất trên núi Yên Phong. Trên mộ ông khắc bia gỗ trong rừng sâu "Nguyễn Phạm Tuân. Tử ngày vua Hàm Nghi". Ngoài giỏi cầm binh đánh giặc, Nguyễn Phạm Tuân còn được biết đến là nhà thơ yêu nước và để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm như: "Đề miếu Nguyễn Biểu"; "Câu đối làm khi bị bắt"; "Bị đãi thời tác"; "Đề nghĩa Vương miếu".... Tên của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân được đặt tên đường phố tại nhiều TP lớn, như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Đồng Hới (Quảng Bình)... |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá trình thi công mương thoát nước, nhóm công nhân phát hiện một ngôi mộ cổ được chôn cất khoảng hơn 1.300 năm...