Chính thức trao quyền định giá xăng cho DN

Sau 4 lần liên tiếp yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu giảm giá, Bộ Tài chính vừa thông báo “cho phép” các doanh nghiệp này được quyền tự định giá, tự tăng, tự giảm giá theo Nghị định 84.

Thông tin này vừa được Bộ Tài chính cho biết chiều tối nay, ngày 29/6. Trong công văn gửi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, việc điều hành kinh doanh xăng dầu được Liên Bộ Tài chính- Công Thương thống nhất, giao cho doanh nghiệp thực hiện quyền quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, Liên Bộ lưu ý, trong trường hợp các doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá, do có biến động tạo chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành thì trước khi điều chỉnh, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký giá với Liên Bộ để Liên Bộ xem xét lựa chọn phương án xử lý hài hòa giữa việc điều hành thuế, phí, Quỹ Bình ổn và giá xăng dầu cho phù hợp.

Chính thức trao quyền định giá xăng cho DN - 1

Kể từ ngày 9/5 đến 21/6 đến nay, sau 4 lần giảm, giá xăng A92 đã giảm 2.600 đồng/lít (Ảnh minh họa)

Lý do là bởi, hiện tại mức thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đang được Nhà nước điều hành giữ ở mức thấp hơn nhiều so với barem thuế quy định. Nếu giá thế giới có xu hướng giảm, việc giảm giá cần phải được tính toán cân đối với việc tăng thuế.

Trên thực tế, việc khôi phục lại quyền tự định giá cho doanh nghiệp xăng dầu đã được thực hiện từ ngày 21/6, cùng lúc với đợt bất ngờ giảm giá xăng dầu lần thứ 4.

Như vậy, kể từ ngày 9/5 đến 21/6, sau 4 lần giảm, giá xăng A92 đã giảm 2.600 đồng/lít. Giá dầu diezen đã có tổng mức giảm 1.800 đồng/lít. Dầu hỏa và mazut có 3 lần giảm với tổng mức giảm nhẹ hơn, lần lượt là 1.350 đồng/lít và 1.250 đồng/kg.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu có 2 đợt tăng mạnh với tổng mức tăng vẫn lớn hơn các mức giảm trên. Thuế nhập khẩu xăng dầu cũng có 4 lần tăng và đến nay, thuế 3 mặt hàng xăng, dầu hỏa và mazut đã lên mức 10%, thuế mặt hàng dầu diezen là 8%.

Theo Điều 27 của Nghị định 84, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp phải iảm giá bán lẻ tương ứng.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 12% thì Nhà nước sẽ điều tiết bằng các công cụ thuế, phí, quỹ…, sau đó, doanh nghiệp tiếp tục giảm giá bán lẻ và không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm giá.

Ngược lại, các doanh nghiệp xăng dầu cũng được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng nhưng với điều kiện chênh lệch giá cơ sở thấp hơn, với phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành.

Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 7% đến 12%, doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá tương ứng 7% như trên, đồng thời cộng thêm 60% của khoảng tăng tương ứng từ 7% đến 12%. Còn lại, 40% của khoảng tăng này sẽ được bù từ Quỹ bình ổn giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng 12% làm ảnh hưởng kinh tế xã hội thì doanh nghiệp không được tự động tăng. Nhà nước sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá…

Trước đó, đánh giá về hiệu quả của Nghị định 84, Liên Bộ Tài chính -Công Thương cho biết, thực tế quyền định giá như trên chỉ được giao cho doanh nghiệp thực hiện trong 3 tháng đầu tiên Nghị định có hiệu lực, tức từ 15/12/2009 đến tháng 3/2010. Sau đó, từ đầu tháng 4 đến thời điểm vừa rồi, việc điều chỉnh giá vẫn phải xin phép Liên bộ. Trong 3 tháng đó, các doanh nghiệp cũng đã có tăng, có giảm giá nhưng có lúc, chưa chọn thời điểm tăng giá phù hợp, ngay sau dịp Tết nguyên đán nên ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Huyền (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN