Chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Chiều 19/6, Quốc hội chính thức thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) với 79,52% đại biểu tán thành.

Về vấn đề cho phép mang thai hộ, do vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều nên Quốc hội biểu quyết riêng về nội dung này. Kết quả, có 25,3% đại biểu không tán thành, 59,64% đại biểu tán thành.

Dù chỉ đạt tỷ lệ khiêm tốn với 59,64%, song cũng đủ để thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Điều luật này thông qua thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - 1

Quốc hội chính thức thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. (Ảnh minh họa)

Việc mang thai hộ không tính vào số lần mang thai, sinh con khi thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Người mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Luật mới được thông qua cũng quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) vừa được thông qua cũng quy định, điều kiện kết hôn cho nam là 20 tuổi trở lên và nữ là 18 tuổi trở lên. Luật cũng quy định, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Mặc dù không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng Luật vừa được thông qua không có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Như vậy, quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật Hôn nhân và Gia đình trước đây đã được bãi bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.T ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN