Chính thức bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND

Hôm nay (2/11), Nghị định 106/2013/NĐ-CP có hiệu lực chính thức bỏ ghi tên cha, mẹ tại mặt sau của Chứng minh Nhân dân (CMND).

Theo Nghị định 106/2013 của Chính phủ về sửa đổi một số điều trong việc cấp chứng minh nhân dân thì kể từ ngày 2/11/2013, khi cấp mới, cấp lại chứng minh nhân dân sẽ bỏ cụm từ "họ và tên cha", "họ và tên mẹ" tại mặt sau của chứng minh nhân dân.

Ngoài ra, bổ sung cụm từ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" vào bên dưới cụm từ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam'’ tại mặt trước của Chứng minh nhân dân.

Nghị định 106 cũng yêu cầu rút ngắn thời gian cấp mới, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân. Cụ thể, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.

Chính thức bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND - 1

 Mặt sau của Chứng minh nhân dân mẫu mới từng áp dụng có ghi tên cha, mẹ. Ảnh: Internet

Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Các chứng minh thư được cấp trước đây hiện vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn được ghi trên chứng minh nhân dân của người đó.

Trước đó sáng 12/9/2012, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) triển khai cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới.

Theo đó, chứng minh thư mới có kích thước nhỏ gọn theo tiêu chuẩn quốc tế (trông giống thẻ ATM); sản xuất bằng vật liệu có độ bền cao, hạn chế gãy, bong tróc...; thời hạn sử dụng 15 năm. Điểm mới là mỗi chứng minh nhân dân sẽ sử dụng dãy 12 chữ số (mẫu cũ là 9) và có ghi tên cha mẹ.

Việc ghi tên cha mẹ vào phía sau không được Bộ Tư pháp tán thành, cho rằng "phản cảm", vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em và quyền bí mật đời tư theo Bộ luật Dân sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoàng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN