Chính sách “sống chết mặc bay” của Obama với Iraq
Sự hỗ trợ ít ỏi của Mỹ chẳng khác nào cái tát vào mặt chính phủ Iraq trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã thể hiện rất rõ ý đồ rút chân ra khỏi Iraq. Và trong bối cảnh thủ đô Baghdad đang bị các phiến quân người Sunni vây đánh ác liệt, Mỹ vẫn chỉ đưa một lượng ít ỏi cố vấn quân sự tới Iraq, chứng tỏ rằng chính quyền của Tổng thống Obama đang đẩy Iraq vào một tình thế “sống chết mặc bay”.
Nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng quân đội Iraq để có thể tự đảm bảo an ninh cho đất nước mà hàng trăm ngàn quân Mỹ từng bất lực trong cuộc chiến suốt hơn 8 năm giờ đây lại được giao cho 300 lính đặc nhiệm giữ vai trò cố vấn quân sự cùng một số phương tiện do thám.
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Hôm thứ Năm, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho 300 lính đặc nhiệm này tham gia các hoạt động cố vấn ở thủ đô Baghdad, đánh dấu lần trở lại đầu tiên của lính Mỹ kể từ khi rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 sau một cuộc chiến dài hơi khiến gần 4.500 binh sĩ Mỹ và 100.000 người Iraq thiệt mạng.
Mặc dù Nhà Trắng không loại trừ khả năng không kích Iraq, song cho đến nay phương án này vẫn chưa được tính toán một cách nghiêm túc, và các quan chức Mỹ cũng không mấy sốt sắng với việc sử dụng hỏa lực không quân để ngăn chặn bước tiến của phiến quân.
Và Tổng thống Obama, người rất không muốn quay lại chiến trường nơi ông từng gọi là “cuộc chiến ngu ngốc” cũng đang thể hiện quyết tâm rằng sẽ không đưa lực lượng quân sự Mỹ tham chiến trở lại ở Iraq.
Tuy nhiên, với những công sức, tiền của và máu mà Mỹ đã đổ vào Iraq, cộng thêm nguy cơ về an ninh do tổ chức Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) gây ra đối với khu vực, ông Obama không thể làm ngơ trước những lời cầu cứu từ Baghdad.
Mỹ không loại trừ khả năng sẽ không kích vào Iraq
Các quan chức Mỹ cho rằng một đơn vị nhỏ lính Mỹ ở Iraq là phù hợp với quan điểm của ông Obama rằng Mỹ có thể hoàn thành nhiệm vụ ở đây mà không phải đổ hàng chục ngàn binh sĩ vào một cuộc chiến mà ông đã từng nỗ lực vận động để chấm dứt.
Trước bước tiến như vũ bão của phiến quân ISIS khiến hàng loạt thành phố quan trọng lần lượt rơi vào tay họ, các quan chức Mỹ tin rằng sự hỗ trợ ít ỏi của Mỹ có thể giúp quân đội Iraq có thể đẩy lùi hoặc ít nhất là đối mặt với các phiến quân nổi dậy.
Thay vào đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Obama là bảo vệ thủ đô Baghdad, ít nhất là ở những nơi mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ đóng căn cứ. Lực lượng đặc nhiệm này sẽ tăng cường sức mạnh cho 275 binh sĩ được triển khai hồi đầu tuần để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, nơi chỉ cách tòa nhà Quốc hội và Phủ Thủ tướng Iraq vài chục mét.
Nhiệm vụ chính của 300 lính đặc nhiệm Mỹ là xác định những lỗ hổng an ninh ở Iraq và đánh giá xem có cần thiết phải triển khai thêm lính Mỹ để đảm bảo sự ổn định ở thủ đô Baghdad hay không, và họ sẽ không trực tiếp tham chiến với phiến quân.
Binh sĩ Iraq cùng vũ khí, trang bị của Mỹ liên tiếp thất bại trước phiến quân
Trong khi đó, các máy bay do thám của Mỹ tăng cường hoạt động trên các khu vực mà phiến quân ISIS hoạt động nhằm cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Iraq để có thể tấn công hiệu quả hơn vào phiến quân.
Tuy nhiên, với hơn nửa triệu binh sĩ trong quân đội Iraq, lực lượng cố vấn quân sự này gần như không có bất cứ cơ hội nào để có thể tạo ra sự thay đổi về chiến thuật và sĩ khí của họ.
Và những biện pháp hỗ trợ hạn chế này của Mỹ cũng sẽ là “đá ném ao bèo” nếu như Thủ tướng Iraq Mouri al-Maliki không chịu có những động thái quyết liệt để chấm dứt tình trạng chia rẽ về chính trị ở Iraq, chẳng hạn như chia sẻ thêm quyền lực với người Sunni thiểu số.
Mỹ đã yêu cầu ông Maliki phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến người Sunni, thậm chí một số quan chức Mỹ còn gợi ý với tư cách cá nhân rằng ông Maliki nên từ chức để chứng tỏ rằng ông thực sự muốn hòa bình cho Iraq trên tất thảy mọi thứ.
Tuy nhiên các quan chức Iraq cho hay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Maliki sẽ từ chức, và vị thủ tướng này có vẻ như đang coi sự hỗ trợ hạn chế của Mỹ là một cái tát vào mặt trước những lời khẩn cầu không kích mà chính phủ của ông gửi tới Mỹ.
Hiện quốc gia láng giềng với đa số dân là người Shia đã tỏ tín hiệu rằng họ sẵn sàng giúp chính phủ của ông Maliki (do người Shia kiểm soát) lấp chỗ trống an ninh, tuy nhiên việc Iran đưa quân vào Iraq để tấn công người Sunni chắc chắn sẽ gây ra một cuộc cuộc xung đột sắc tộc, đẩy Iraq gần hơn tới một cuộc nội chiến.
Phiến quân ISIS chiếm được xe tăng của quân đội chính phủ tiến về Baghdad
Chuyên gia Ken Pollack tại Viện Brookings cho rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ hiện nay là “quá ít về số lượng” để có thể phát huy tác dụng và làm tăng nỗi quan ngại rằng lực lượng quân đội Iraq đa phần là người Shia sẽ không hợp tác đầy đủ với các binh sĩ Mỹ.
Tuy nhiên hiện quân đội Iraq vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào vũ khí đạn dược do Mỹ cung cấp, thế nên Iraq sẽ tự đẩy mình vào thế khó nếu muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Và mặc dù chưa tính đến kế hoạch không kích, nhưng các quan chức Mỹ cũng không loại trừ khả năng này. Điều đó giống như một “mồi nhử” để chính quyền của ông Malaki hợp tác với Washington mà Mỹ không cần phải đưa ra bất cứ lời hứa hẹn nào.
Với tình hình hiện nay, chắc chắn chính phủ của ông Maliki sẽ phải tự vật lộn để tìm lối thoát cho mình ra khỏi cuộc khủng hoảng mà không trông mong quá nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ, mặc dù họ vẫn luôn nuôi hy vọng rằng Mỹ sẽ có biện pháp can thiệp quyết liệt hơn vào Iraq, một viễn cảnh mà Nhà Trắng không hề mặn mà.