Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe, trạm dừng nghỉ có trụ sạc xe điện, số nhà được đánh theo nguyên tắc mới... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 10.

Cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe

Theo Thông tư 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc, hiệu lực từ 1/10, Bộ Giao thông Vận tải quy định cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe chạy (hai làn xe mỗi chiều); phải có làn dừng khẩn cấp được bố trí liên tục, trừ vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên hoặc cầu có trụ cao từ 50 m trở lên, qua hầm.

Cao tốc có 3 cấp thiết kế theo tốc độ tối đa, gồm 120, 100 và 80. Các khu vực địa hình khó khăn, liên quan yếu tố quốc phòng an ninh có thể áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h. Làn xe rộng tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80. Làn dừng khẩn cấp rộng tối thiểu 3 m với cấp 120 và 100; cấp 80 là 2,5 m.

Trước đó, cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, khuyến cáo số làn xe được xác định trên cơ sở tính toán năng lực thông hành. Trường hợp phương án phân kỳ đầu tư, cao tốc phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để tạo thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau.

Nhiều tuyến cao tốc tại Việt Nam, như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Hà Giang và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ban đầu được đầu tư với quy mô hai làn xe. Điều này đã gây ra nhiều hạn chế về lưu lượng và an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng rà soát và nâng cấp các tuyến đường này lên 4 làn xe.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) với vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tân

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) với vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tân

Trạm dừng nghỉ phải có trụ sạc xe điện

Theo Thông tư 09/2024 của Bộ Giao thông Vận tải về quy chuẩn kỹ thuật trạm dừng nghỉ trên cao tốc có hiệu lực từ 5/10, trạm dừng nghỉ trên cao tốc được phân thành 4 loại. Trạm loại 1 có diện tích lớn nhất, từ 10.000 m2 trở lên, trong đó bãi đỗ xe chiếm khoảng một nửa. Các loại trạm còn lại có diện tích giảm dần, lần lượt là 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2.

Theo quy định mới, trạm dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc phải dành 10% diện tích đỗ xe cho xe điện, trong khi loại 3 và 4 được khuyến khích thực hiện. Việc lắp đặt cụ thể các trụ sạc sẽ dựa trên nhu cầu thực tế tại từng địa điểm.

Với những trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, chủ sở hữu phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ cho xe điện theo quy chuẩn trước ngày 1/1/2027.

Quy định mới về đánh số nhà

Thông tư 08/2024 của Bộ Xây dựng quy định việc đánh số, gắn biển số nhà, công trình xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/10. Văn bản này thay thế Quyết định 05/2006 được thực hiện trong 18 năm qua.

Cụ thể, nhà mặt đường, phố được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3...), bắt đầu từ số 1. Nhà bên trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn. Chiều đánh số thường từ Bắc xuống Nam hoặc từ Đông sang Tây.

Với nhà có hai mặt tiền thì ưu tiên đánh số theo mặt tiền đường rộng hơn. Nếu hai mặt tiền ngang bằng sẽ căn cứ vào vị trí cửa chính hoặc số nhà đã có trên đường đó để quyết định. Đối với đường, phố chưa có nhà, UBND cấp huyện sẽ lập danh sách số nhà dự phòng dựa trên quy hoạch chi tiết, đảm bảo việc đánh số được thực hiện một cách khoa học và thống nhất.

Nguyên tắc chèn số nhà với nhà xây mới xen giữa hai nhà hiện hữu là thêm chữ cái in hoa hoặc số tự nhiên vào số nhà bên cạnh nhỏ hơn. Ví dụ, nhà phát sinh giữa hai nhà 20 và 22 sẽ được đánh số 20A, 20B, 20C hoặc 20-1, 20-2, 20-3. Với nhà trong ngõ chưa có tên riêng, nguyên tắc đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước ngõ (theo số nhà nhỏ hơn).

Một nhà dân trong ngõ tại TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Một nhà dân trong ngõ tại TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

TP HCM lập Trung tâm phục vụ hành chính công

Theo nghị quyết của HĐND TP HCM ngày 27/9, Trung tâm hành chính công được thí điểm thành lập giúp người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ ở các chi nhánh, điểm tiếp nhận trong thành phố mà không phụ thuộc địa giới hành chính như trước.

Cơ quan này trực thuộc UBND thành phố, hoạt động thí điểm từ 1/10 đến cuối năm 2026. Từ nay đến cuối năm 2024, nơi này tổ chức lại bộ máy, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị, quy trình giải quyết thủ tục. Năm 2025 trung tâm bắt đầu giải quyết hồ sơ đa ngành, đa lĩnh vực, không còn phụ thuộc địa giới hay các cấp hành chính.

Hiện việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại TP HCM thực hiện theo ba cấp, gồm: 18 sở; 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 312 phường, xã, thị trấn. Công tác giải quyết các thủ tục thực hiện theo chức năng, thẩm quyền mỗi cấp, dẫn đến người dân ở khu vực nào cần ra nơi đó nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Lộ trình đến năm 2026, TP HCM sẽ giải quyết hồ sơ thông qua 23 chi nhánh (chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận huyện, TP Thủ Đức); 140 điểm tiếp nhận tại các phường, xã, thị trấn thuộc TP Thủ Đức, 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) cùng 4 quận (7, 12, Bình Tân, Gò Vấp), không còn nhận hồ sơ ở các sở ngành.

Từ tháng 9/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định mới về cấp phó của các cơ quan, đơn vị; Dừng cung cấp mạng di động GSM (2G) từ 16/9; Hỗ trợ vay vốn tới 25 triệu đồng/công trình nước sạch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN