Chính quyền Hong Kong chịu đàm phán với phe biểu tình
Người biểu tình nghi ngờ đây là một trò "câu giờ" để kéo dài thời gian cho đến khi phong trào tự tan rã.
Nửa đêm 2/10, chỉ vài phút trước khi tối hậu thư do người biểu tình đưa ra đòi Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Leung Chun-ying phải từ chức, ông Leung đã tổ chức một cuộc họp báo khẩn thông báo sẽ cử Chánh Văn phòng Carrie Lam đứng ra đàm phán với phong trào biểu tình.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Leung Chun-ying tuyên bố sẽ đàm phán với người biểu tình
Tuy nhiên, ông Leung cũng khẳng định rằng ông sẽ không chịu từ chức theo tối hậu thư của người biểu tình, trong bối cảnh chính ông Leung cũng đang chịu sức ép rất lớn từ phía Bắc Kinh trong một thử thách chính trị lớn nhất từ trước tới nay ở Hong Kong.
Trưởng đặc khu Hong Kong cũng nhắc lại lời cảnh báo của cảnh sát về hậu quả nghiêm trọng nếu người biểu tình tìm cách phong tỏa hoặc chiếm giữ các tòa nhà chính quyền.
Trong khi đó, hàng ngàn người dân Hong Kong vẫn tập trung trên các tuyến phố trung tâm suốt 5 ngày liên tiếp để đòi ông Leung phải từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
Người biểu tình dựng rào chắn bên ngoài tòa nhà chính quyền
Trong khi ông Leung có những động thái nhượng bộ và chịu đàm phán, Bắc Kinh vẫn thể hiện lập trường cứng rắn của mình đối với người biểu tình Hong Kong. Hôm nay, tờ Nhân dân Nhật báo tiếp tục đăng bài xã luận lên án người biểu tình “tụ tập bất hợp pháp” nhân danh đòi “phổ thông đầu phiếu thực sự”.
Bài báo viết: “Những hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cơ bản (đạo luật được coi như hiến pháp của Hong Kong – PV), luật pháp Hong Kong cũng như nguyên tắc pháp trị, và phong trào biểu tình chắc chắn sẽ thất bại”.
Mặc dù ông Leung đã xuống nước và tuyên bố đàm phán, song người biểu tình Hong Kong lại nghi ngờ rằng đây chỉ là một trò “câu giờ” của chính quyền để khiến phong trào biểu tình mất tinh thần và tự tan rã.
Trụ sở chính quyền Hong Kong tuyên bố đóng cửa trong ngày thứ Sáu, và các nhân viên làm việc ở đây được yêu cầu chuyển tới một địa điểm dự bị sau khi lối vào tòa nhà này bị người biểu tình phong tỏa.
Cảnh sát Hong Kong tập trung tại lối vào tòa nhà chính quyền
Số lượng người tham gia biểu tình cũng giảm sút đi rõ rệt vào sáng thứ Sáu, khi nhiều người dân Hong Kong vừa kết thúc 2 ngày nghỉ lễ và phải bắt đầu đi làm trở lại. Đến sáng nay, chỉ còn vài trăm người, chủ yếu là sinh viên vẫn đang bám trụ tại các điểm biểu tình và giơ biểu ngữ đòi ông Leung từ chức.
Việc ông Leung kiên quyết không chấp nhận yêu sách của người biểu tình chứng tỏ một thực tế rằng cả hai phía đều đang chuẩn bị cho tình thế căng thẳng kéo dài. Ông này cũng cảnh báo rằng người biểu tình sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu họ tìm cách tấn công và chiếm giữ các tòa nhà chính phủ hay lực lượng cảnh sát.