Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích?

Với lý do mộ vợ vua nhà Nguyễn vừa được Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc nỗ lực tìm thấy tại khu đất bị san ủi làm bãi đỗ xe, không phải là di tích và nằm ngoài vùng bảo vệ di tích, cơ quan chức năng thành phố Huế cho rằng, vị trí này dù là lăng mộ của ai cũng phải di dời để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 1

Khu mộ cổ được cho là nơi yên nghỉ của vợ vua Tự Đức

Tuy nhiên, hướng kiến nghị di dời mộ vợ vua Tự Đức của chính quyền thành phố Huế chưa nhận được sự đồng tình của Hội đồng Trị sự cũng như con cháu, hậu duệ hiện nay trong dòng họ Nguyễn Phước. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc có nguyện vọng xây dựng lại mộ bà Tài nhân họ Lê bằng xi măng để bảo vệ và có chỗ hương khói, chứ không muốn di dời như kiến nghị của UBND thành phố Huế.

Giải phóng mặt bằng đã đảm bảo trình tự?

Theo nguồn tin từ UBND thành phố Huế cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành đã ký văn bản 2520/UBND/GPMB báo cáo UBND tỉnh TT-Huế về công tác giải phóng mặt bằng và trình tự thủ tục triển khai dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức - Đồng Khánh, sau khi lãnh đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo chính quyền thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo việc này.

Theo báo cáo của chính quyền thành phố Huế, việc thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng đã thực hiện đầy đủ, đảm bảo trình tự theo quy định tại Quyết định số 64/2014/QĐ-UBND, ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh TT-Huế. Theo quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, thì vị trí khu đất xây dựng bãi đỗ xe lăng Tự Đức-Đồng Khánh là phù hợp xu hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và thành phố Huế.

Chủ trương UBND tỉnh TT-Huế cho phép đầu tư bãi đỗ xe được thực hiện từ năm 2012 đến nay, có ý kiến thống nhất của các sở, ngành cấp tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, UBND thành phố Huế cũng nhìn nhận, đơn vị chủ đầu tư đã triển khai san ủi khi chưa nhận bàn giao mặt bằng và chưa tiến hành các vấn đề liên quan khác là chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Từ đó, để xảy ra sự cố đáng tiếc về việc san ủi trên khu vực mồ mả của bà Tài nhân họ Lê, vợ vua Tự Đức.

Sau khi thống nhất ý kiến các bên liên quan, UBND thành phố Huế đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị phải khẩn trương phối hợp với UBND phường Thủy Xuân, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế, Sở VHTT tỉnh TT-Huế, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế làm việc với Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc thống nhất phương án khắc phục lăng mộ theo hướng di dời đến vị trí thích hợp, đáp ứng tốt nhất về phục dựng lăng theo yêu cầu của các bên liên quan.

Trả lời báo chí về đề xuất di dời ngôi mộ này, phía Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế cho rằng, theo quy định, nếu lăng mộ không phải là di tích và nằm ngoài vùng bảo vệ di tích, dù là của ai cũng phải di dời để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.

Mong dựng lại lăng mộ tại vị trí phát hiện

Theo tìm hiểu của PV, hướng di dời lăng mộ do UBND thành phố Huế đề xuất không nhận được sự đồng tình của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc. Hơn nữa, việc di dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê là quyết định của cả dòng tộc, không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trị sự.

Đại diện dòng tộc Nguyễn Phước hiện đề nghị cơ quan chức năng cho xây dựng lại lăng tại vị trí phát hiện ngôi mộ. “Dòng tộc Nguyễn Phước luôn mong muốn giữ lăng mộ của bà Tài nhân tại vị trí cũ”, ông Tôn Thất Giáp, hậu duệ dòng tộc Nguyễn Phước bày tỏ. Trước mắt, nguyện vọng của dòng tộc Nguyễn Phước là xây dựng nấm mộ tạm thời bằng xi măng để bảo vệ và có chỗ hương khói cho bà Tài nhân họ Lê.

Còn tại buổi làm việc hôm 7/7, giữa Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc với các cơ quan chức năng, đại diện các bên đã đi đến thống nhất yêu cầu chủ đầu tư dựng khung nhà bằng sắt diện tích 5x8m, mái lợp tôn, trên phạm vi khuôn tĩnh của ngôi mộ, tiến hành đắp lại mộ bằng đất sạch, thành bao quanh bằng đất và lưới sắt B40. Phía Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị có trách nhiệm thuê người bảo vệ khu mộ này.

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 2

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 3

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 4

Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc và con cháu mong muốn xây dựng lại lăng mộ tại vị trí phát hiện này

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 5

Tạm bảo quản huyệt mộ vợ vua Nguyễn theo cách này để chờ dựng nhà che và quyết định của UBND tỉnh TT-Huế

Chính quyền đề xuất dời cổ mộ vợ vua Tự Đức do không phải di tích? - 6

Ngôi mộ sẽ được che chắn bằng nhà khung sắt, mái tôn, bao quanh bằng lưới B40… thay cho lều tạm như thế này

Tìm thấy huyệt mộ vợ vua Tự Đức

Sau hơn 10 ngày tìm kiếm, huyệt mộ của vợ vua Tự Đức bị san ủi đã được tìm thấy ở độ sâu 0,3 m. Các cơ quan chức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Văn (Tiền phong)
Thừa Thiên - Huế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN