Chính quyền Đà Nẵng có thể hầu tòa
Hơn 700 trường hợp cá nhân, công ty mua đất ở Đà Nẵng nằm trong diện thu hồi để sửa thời hạn sử dụng đất từ dài hạn xuống 50 năm. Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định sẽ không thoái thác trách nhiệm
Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỉ đồng vào năm 2012, mới đây, UBND TP Đà Nẵng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các văn phòng công chứng không thực hiện giao dịch đối với các lô đất thuộc diện thu hồi để sửa đổi thời hạn sử dụng đất. Phần lớn các trường hợp này rơi vào thời kỳ 2008-2012.
Đất kinh doanh thương mại được cấp sử dụng lâu dài
Vừa qua, hàng chục cá nhân, công ty đã đến Văn phòng Luật sư Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để nhờ tư vấn pháp luật vì thuộc diện thu hồi sổ đỏ nhằm chỉnh sửa thời hạn của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Các lô đất thuộc khu nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cũng nằm trong diện thu hồi để chỉnh sửa thời hạn sử dụng đất
Theo luật sư Trương Văn Bình, Văn phòng Luật sư Bình Minh, các hồ sơ tiếp nhận thuộc 2 trường hợp: một là cá nhân, công ty kiện các cá nhân, công ty vì hợp đồng mua bán; hai là cá nhân, công ty kiện chính quyền TP Đà Nẵng vì quyết định hành chính vi phạm luật. Hơn 10 giấy chứng nhận QSDĐ mà ông Bình nhận được từ các yêu cầu tư vấn pháp luật đều do ông Văn Hữu Chiến, thời điểm còn là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký.
Theo các yêu cầu khởi kiện, giai đoạn 2003-2012, chính quyền Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hàng loạt cá nhân, công ty loại đất sản xuất - kinh doanh nhưng lại ghi thời hạn sử dụng lâu dài. Theo quy định của Luật Đất đai, diện này chỉ được sở hữu trong thời gian tối đa 50 năm. Nhưng theo các sổ đỏ mà ông Bình có được, 8/10 trường hợp sổ đỏ loại đất sản xuất - kinh doanh lại ghi thời hạn sử dụng lâu dài.
Trong các hồ sơ này, có bà P. và bà M. cùng hùn vốn mua lại một lô đất hơn 100 tỉ đồng ở khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc. Sau đó, 2 người này rao bán lô đất trên và nhận cọc của người mua số tiền 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi ra công chứng, bà P. và bà M. mới được văn phòng công chứng cho hay đất của 2 người thuộc diện thu hồi sổ đỏ để chỉnh sửa thời hạn sử dụng từ lâu dài xuống còn 50 năm. Lúc này, bên mua không chấp thuận và 2 người phải đền gấp đôi tiền cọc.
Bà P. và bà M. đã đến nhờ luật sư Trương Văn Bình tư vấn khởi kiện công ty đã bán đất cho họ. Theo luật sư Bình, nếu là loại đất sản xuất - kinh doanh thì thu tiền đất chỉ với giá 70% so với đất ở. Trong khi đó, tất cả trường hợp thuộc diện thu hồi là đất sản xuất - kinh doanh đều mua đất với giá 100% và trên giấy chứng nhận QSDĐ lại ghi là thời hạn sử dụng lâu dài.
"Vấn đề ở chỗ khi xem giấy chứng nhận QSDĐ do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cấp thì những người hiểu luật có thể thấy rõ những giấy chứng nhận này không đúng quy định pháp luật. Những người làm công tác địa chính phải càng hiểu đất sản xuất - kinh doanh không thể cấp thời hạn sử dụng lâu dài nhưng không hiểu do các cán bộ cố tình, vô ý hay do có áp lực nào mà họ lại làm tờ giấy chứng nhận này" - ông Bình phân tích.
Có vướng mắc sẽ kiến nghị Thủ tướng
Theo luật sư Bình, nếu Đà Nẵng không giải quyết ổn thỏa thì hơn 700 trường hợp ở diện thu hồi sổ đỏ này có thể đồng loạt khởi kiện chính quyền TP Đà Nẵng.
"Cái sai ở chỗ là chính quyền cấp giấy chứng nhận loại đất sản xuất - kinh doanh nhưng sai thời hạn sử dụng và thu tiền đất với đơn giá 100%. Nếu bây giờ chính quyền bồi đền 30% kia và phải tính toán chênh lệch thì có thể người dân sẽ chấp thuận chỉnh sửa. Còn nếu không, họ sẽ không chấp nhận chỉnh sửa và sẽ khởi kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa và người đứng đầu là chủ tịch UBND TP sẽ phải chịu trách nhiệm" - luật sư Bình phân tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay về vấn đề này, chính quyền TP đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với những người dân thuộc diện thu hồi sổ đỏ để chỉnh sửa thời hạn. Sau đó, Đà Nẵng đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ.
"Hiện tại, Đà Nẵng phải thực hiện kết luận của Thanh tra vì kết luận này đã được Thủ tướng phê chuẩn rồi. Việc đó là cái sai của trước đây, bây giờ phải khắc phục. Trong quá trình khắc phục gặp những điểm vướng như vậy, sẽ báo cáo lại cho Thủ tướng để có chỉ đạo. Tất cả sẽ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật thôi" - ông Thơ nhấn mạnh.
Theo ông Thơ, những trường hợp cấp sai nhiều nhất tập trung ở thời kỳ 2008-2012 của các lãnh đạo như: ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2003-2013), ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 2006-2011), ông Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 2011-2015).
Người dân bị thiệt hại lớn Bà Võ Thị Ngọc (ngụ đường Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết bà mua lô đất rộng 1.850 m2 cùng với 2 người khác tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để lập công ty. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, bà Ngọc không thể xây dựng hay sang tay cho người khác dù thủ tục mua bán của bà đã hoàn tất. Khi mang sổ đi sang tên đổi chủ, lô đất này nằm trong số những dự án và khu đất sai phạm của UBND TP Đà Nẵng mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận giảm 10% tiền sử dụng đất cho các cá nhân và tổ chức không đúng quy định. Lô đất này đã qua tới 5 đời và khi mua thì có sổ đỏ đầy đủ, các bên cũng hoàn tất nghĩa vụ với nhau. Tuy nhiên, do vướng sai phạm của chính quyền, lô đất bị chặn giao dịch gần 1 năm, gây thiệt hại lớn cho bà Ngọc cùng người mua chung. |
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Các dự án BOT hiện nay chưa được minh bạch về đầu tư và vấn...