Chính phủ trình Quốc hội các cơ chế đặc thù phát triển TP HCM
Xét về tính mới và kế thừa, Chính phủ trình Quốc hội 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Ngày 26-5, Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, góp phần xây dựng và phát triển TP như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết không phải chỉ riêng cho TP HCM mà còn tạo điều kiện cho TP phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Xét về tính mới và kế thừa, Chính phủ cho biết dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, gồm: Nhóm 1 về các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54 (gồm 7 cơ chế, chính sách); Nhóm 2 về các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác (gồm 4 cơ chế, chính sách); Nhóm 3 về các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (gồm 66 cơ chế, chính sách) và Nhóm 4 về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế, chính sách).
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết qua tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho thấy nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng
Tuy nhiên, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, TP HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%.
"Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước" - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền TP HCM nghiên cứu, xây dựng dự thảo công phu, tâm huyết, cầu thị, nghiêm túc. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách nêu trên sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới.
Thẩm tra một số nội dung cụ thể, ông Lê Quang Mạnh cho biết đối với những chính sách kế thừa tại Nghị quyết 54, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với những chính sách được đánh giá là hiệu quả, cần tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm cho thấy, không phải tất cả các chính sách đều đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần rà soát từng chính sách, làm rõ đã phát huy tác dụng ở mức độ nào, tính cần thiết tiếp tục áp dụng.
Về những chính sách kế thừa Nghị quyết 54 nhưng có sửa đổi, bổ sung, cơ quan thẩm tra đề nghị chú trọng trong khâu tổ chức thực hiện để bảo đảm hợp lý, như chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, không tạo khoảng cách thu nhập quá lớn giữa người lao động; tính khả thi của mức vay không quá 120% số thu theo phân cấp...
Về các chính sách tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù, cần nghiên cứu, tránh dập khuôn, cần vận dụng sáng tạo theo hướng đột phá hơn, tương xứng với vị thế, tiềm năng của TP. Chính sách chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch… cần tính đến đặc thù của TP. Việc ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cần đặt trong tình hình mới.
Về những chính sách đang được quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần bám sát quá trình hoàn thiện các dự thảo luật khác ở các nội dung như: cho phép các tổ chức kinh tế có quyền thế chấp, chuyển nhượng, cho thuê quyền thuê đất; về gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp… đều là những vấn đề rất lớn, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, người dân. Do đó, cần thận trọng, bảo đảm hợp lý trong mối tương quan với Luật Đất đai.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất sau khi được thông qua, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và được thực hiện trong 5 năm.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc vì chưa phù hợp với Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua). Trong khi đó, nếu được Quốc hội cho phép, sẽ thông qua cuối tháng 6-2023.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung cần hướng dẫn thi hành đến nay chưa hoàn tất. Vì vậy, đề nghị quy định phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện.
27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa tại dự thảo nghị quyết, gồm: (1) Trường họp TP dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì TP được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. TP được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. (2) TP được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất đế đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị. (3) Quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. (4) TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách TP. (5) Quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. (6) TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác. (7) Quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TP được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triến kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. (8) TP được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành quy chế thu, chi, đảm bảo tính minh bạch. (9) Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách TP hưởng 100%. (10) Cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. (11) Quy định cụ thể các trường họp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. (12) Quy định chính sách về xây dựng nhà ở xã hội: Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; Được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; Quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội. (13) Quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do nhà nước quản lý. (14) Quy định nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng. (15) Chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông. (16) Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích họp bán dẫn, vật liệu mới..; Các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; Trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. (17) Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thành phố. (18) TP được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ các Sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm. (19) Quy định số lượng cấp phó của UBND TP và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù họp với tình hình thực tế của TP. (20) Quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên. (21) Quy định việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân TP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ủy ban nhân dân TP (22) TP được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy. (23) Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. (24) Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu công nghiệp, khu chế xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP. (25) Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. (26) Quy định việc HĐND TP HCM thành lập một số Ban, phòng Ban, Văn phòng thuộc TP Thủ Đức. (27) Quy định HĐND TP Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP Thủ Đức. |
Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP, gắn với cơ chế kiểm...
Nguồn: [Link nguồn]