Chính phủ Thái Lan có nguy cơ bị nông dân lật đổ

Thất vọng với chương trình trợ giá gạo thất bại, ngày càng nhiều nông dân Thái Lan quay ra phản đối và đòi lật đổ chính phủ.

Ngay khi chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cần đến sự ủng hộ của họ nhất, những người nông dân trồng lúa ở nước này lại giận dữ quay sang chỉ trích bà và gia nhập vào những đoàn biểu tình đòi lật đổ chính phủ.

Bà Narumol Klysiri, một nông dân 55 tuổi cầm trên tay tờ hóa đơn bán 7 tấn lúa cho chính phủ cách đây 4 tháng than thở: “Trước đây, tất cả mọi người ở quê tôi đều ủng hộ bà Yingluck, nhưng giờ thì không còn ai nữa. Tiền của tôi đâu? Nhà tôi hết sạch tiền mua thức ăn rồi.”

Bà Narumol là một trong hơn 1 triệu nông dân chưa nhận được tiền thanh toán của chính phủ trong nhiều tháng trời khi chương trình trợ giá gạo từng giúp bà Yingluck lên nắm quyền vào năm 2011 đang đứng trên bờ vực sụp đổ với thiệt hại ước tính có thể lên tới 12 tỉ USD.

Chính phủ Thái Lan có nguy cơ bị nông dân lật đổ - 1

Nông dân Thái Lan đang quay lưng lại với chính phủ

Hàng ngàn nông dân đã bị rơi vào cảnh nợ nần khi không được trả tiền đúng hạn, và ngày càng có nhiều thông tin về những vụ tự tử ở nông thôn Thái Lan. Việc chính phủ không thể thanh toán tiền mua gạo cho nông dân dường như đã khiến tỉ lệ ủng hộ đảng Pheu Thai cầm quyền của bà Yingluck sụt giảm thê thảm trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Hiện bà Yingluck cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Cơ quan Chống Tham nhũng Quốc gia và có thể sẽ bị truy tố vì đã phớt lờ quy mô thiệt hại của chương trình trợ giá gạo này. Chương trình này ban đầu được bà Yingluck đưa ra theo mô hình của người anh trai Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.

Nếu bị truy tố, bà Yingluck sẽ bị đưa ra điều trần trước Thượng viện, một quy trình có thể dẫn tới việc bà bị bãi miễn chức vụ. Ngoài ra, 15 người khác, trong đó có một cựu Bộ trưởng Thương mại cũng bị điều tra liên quan tới chương trình trợ giá gạo này.

Bà Narumol đã vượt quãng đường 100 km từ ngôi làng của mình ở tỉnh miền trung Ratchaburi để tới Bangkok tham gia biểu tình chống chính phủ. Các cuộc biểu tình này đã bước sang tháng thứ 3, và người biểu tình đang chiếm giữ nhiều giao lộ ở thủ đô, bao vây trụ sở Bộ Thương mại với tuyên bố chương trình trợ giá gạo của chính phủ là một biểu tượng của chủ nghĩa dân túy liều lĩnh mà chính phủ đang theo đuổi.

Chính phủ Thái Lan có nguy cơ bị nông dân lật đổ - 2

Máy gặt đập liên hợp xuất hiện trong một cuộc biểu tình ở Bangkok

Trong tuần này, bà Yingluck đã cáo buộc người biểu tình tìm cách làm chệch hướng chương trình trợ giá gạo và cho biết quyền hạn của chính phủ đã bị hạn chế rất nhiều trong việc tháo gỡ khủng hoảng sau khi Quốc hội nước này bị giải tán vào tháng 12.

Bà nói: “Chính phủ đang nỗ lực hết mình để giữ vững chính sách tiết chế tiền tệ. Chúng tôi rất thông cảm với những nông dân bị thanh toán muộn.”

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các học giả và nhiều nhân vật nổi tiếng ở Thái Lan đã chỉ trích chương trình trợ giá gạo này khi những thiệt hại mà nó gây ra có thể khiến chỉ số đánh giá tín nhiệm của Thái Lan bị giảm sút.

Các chuyên gia kinh tế ước tính chương trình này ngốn tới 9 tỉ USD mỗi năm, tương đương 2,5% GDP của Thái Lan. Chương trình này bắt đầu từ cách đây 2 năm khi chính phủ tìm cách can thiệp vào thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới.

Trong thời điểm đó, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và điều này trở thành một niềm tự hào của quốc gia. Khi đó, chính phủ Thái Lan đề ra chương trình này với kế hoạch mua gạo của của nông dân với giá cao hơn giá thị trường 50% với tham vọng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao.

Tuy nhiên thị trường lại coi đây là một nỗ lực vụng về nhằm can thiệp vào giá cả. Các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Ấn Độ nhanh chóng gia tăng sản lượng gạo bán ra, trong khi các nhà xuất khẩu gạo ở Thái Lan phản ứng bằng cách đầu tư vào các nhà sản xuất mới nổi như Campuchia, Myanmar và Lào.

Tuy nhiên, giá gạo toàn cầu vẫn đứng ở mức thấp, và để đối phó, chính phủ Thái Lan lại tăng cường kho gạo dự trữ của mình thay vì chấp nhận lỗ để bán gạo ra nước ngoài. Hậu quả là Thái Lan gần như tự gạt mình ra khỏi thị trường.

Chính phủ Thái Lan có nguy cơ bị nông dân lật đổ - 3

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Các kho gạo trên khắp cả nước chất đầy gạo dự trữ với số lượng ước tính lên tới 18 triệu tấn, chiếm 17% lượng gạo dự trữ toàn cầu. Càng để lâu trong kho, chất lượng của số gạo này càng giảm sút, và thậm chí có nhiều thông tin cho thấy một lượng lớn không nhỏ gạo trong kho đã bị hư hỏng.

Một lượng lớn gạo từ Campuchia và Myanmar vẫn tiếp tục được tuồn lậu vào Thái Lan để bán cho chính phủ theo chính sách trợ giá cao hơn rất nhiều so với thị trường ở các nước đó.

Các ngân hàng quốc doanh và thương mại tỏ ra ngần ngại trong việc cấp vốn cho chương trình trợ giá gạo này trong bối cảnh có nhiều tin đồn rằng bà Yingluck dưới vô số sức ép hiện nay sẽ sớm bị gạt ra khỏi chiếc ghế thủ tướng.

Hồi đầu tuần, cơ quan điều tra chống tham nhũng Thái Lan cho biết Trung Quốc đã hủy thỏa thuận mua hơn 1 triệu tấn gạo của Thái Lan. Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boosongpaisal thừa nhận rằng doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc “thiếu niềm tin khi làm ăn với chúng tôi”.

Chính phủ Thái Lan có nguy cơ bị nông dân lật đổ - 4

Các kho gạo dự trữ ở Thái Lan đang đầy ắp gạo tồn kho

Ông Clyde Russell, chuyên gia phân tích thị trường dự đoán chương trình trợ giá gạo của chính phủ Thái Lan đã bị thiệt hại nặng nề. Ông cho rằng trong tình hình bất ổn còn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ khiến những người nông dân giận dữ hơn khi họ nhận ra rằng sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ đã không còn.

Ông nói tiếp: “Đối với thị trường gạo, có vẻ như dù ai lên nắm quyền ở Bangkok đi chăng nữa thì họ cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giải phóng kho gạo tồn kho khổng lồ với bất kỳ cái giá nào được đưa ra.”

Ông Nipon Puapongsakorn, một chuyên gia về gạo tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cảnh báo rằng nếu chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình trợ giá gạo, “đất nước sẽ bị vỡ nợ”.

Về phần mình, bà Narumol đã phải vay lãi số tiền hơn 3500 USD với lãi suất cắt cổ 10% một tháng để trang trải các chi phí vì ngân hàng từ chối cho bà vay nợ, trong khi khoản tiền chính phủ hứa trả cho bà vẫn chưa biết khi nào mới đến tay.

Bà nói: “Chúng tôi có 4 con bò sữa, nhưng nếu không được trả tiền bán gạo, chúng tôi chẳng còn gì cả. Tôi không biết làm cách nào để trả số tiền vay nợ kia nữa.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo SMH) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN