Chính phủ muốn làm 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang trong 5 năm
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường ven biển dài 1.700 km từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 24-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước bố trí là là 2.870 ngàn tỉ đồng, bao gồm: 1.500 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 1.370 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.
Tuyến đường ven biển TP Phan Rang - Hang Rái - Vĩnh Hy - Bình Tiên - Ảnh: Kỳ Nam
Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.
"Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỉ đồng/dự án)"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội.
Về mục tiêu Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP HCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông - Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long...
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý, rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách Nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Cơ quan của Quốc hội cũng đã nêu ý kiến thẩm tra về việc Chính phủ dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khó khả thi.
Nguyên nhân được chỉ ra là các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ. Khả năng bố trí ngân sách Nhà nước hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Do đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 13/9, UBND tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc xin hỗ trợ kinh phí thực...