Chính phủ lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức hiệu trưởng Tôn Đức Thắng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Lập đoàn công tác xác minh vụ cách chức hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng
Chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Trả lời một số đại biểu về câu chuyện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là nội dung chúng ta mới thực hiện được một số bước, còn tiếp tục thực hiện, hoàn chỉnh
"Tự chủ dựa trên các nguyên tắc: Đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà đại học phải xây dựng mô hình cải tiến, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, khoa học. Đã tự chủ thì luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai, để xã hội giám sát. Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý về pháp luật nói chung", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các nước thực hiện tự chủ nhưng vẫn bảo đảm cơ chế để người nghèo không bị mất đi cơ hội học tập, nhất là giáo dục chất lượng cao.
Về nội dung "khái niệm chủ sở hữu", Phó Thủ tướng cho biết, khái niệm này đã thay đổi, không đơn thuần của cơ quan nào mà của toàn xã hội. Thực ra, trong luật pháp đã không còn khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý, cơ quan sở hữu. Theo xu thế đấy, chúng ta sửa luật và chỉ đạo thực hiện.
"Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vướng mắc. Ví dụ, thu tiền tài trợ, học phí… về cán bộ còn có câu chuyện tuổi, giữ chức vụ, liên quan đến mở ngành mới... Trước mắt có hai việc, các trường đại học đều phải kiện toàn hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền. Các trường phải xây dựng quy chế điều hành nội bộ, tài chính nội bộ chi tiết và công khai, minh bạch", Phó Thủ tướng nói.
Nhắc về vụ việc cách chức hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng nói: "Chúng tôi đã có trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. Khi chưa rõ ràng thì phải cẩn trọng, đúng quy định. Chính phủ đã lập đoàn công tác, khi có kết quả sẽ công khai cho toàn dân biết. Tinh thần là công minh, dân chủ, tạo điều kiện cho trường tự chủ phát triển".
Có sự móc nối giữa bác sỹ điều trị và các công ty thuốc để ăn hoa hồng
Trả lời đại biểu Quốc hội Ngọc Bé (đoàn Kiên Giang) về việc có nhiều ý kiến phản ánh bệnh nhân khi khám chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm nhưng vẫn phải bỏ tiền mua thuốc theo đơn của bác sỹ điều trị, nguyên nhân và cách khắc phục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, có hai loại nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất, chính sách thanh toán của bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội là không phù hợp. Điều này đã được Bộ Y tế trả lời nhiều lần, thực trạng này đúng nhưng có căn nguyên.
Theo Phó Thủ tướng, trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở nước ta, hiện mức đóng trung bình là 1,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 1/3 mức đóng ở các nước như Thái Lan, Philippines... Trong khi đó mặc dù chúng ta làm được thuốc, nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài, nên dù đã cố gắng giảm giá , giá thuốc hiện nay của ta chỉ thấp hơn 10 - 13% các nước ASEAN.
Vì vậy, bảo hiểm xã hội không thể thanh toán hết tất cả các loại thuốc mà chỉ thanh toán các loại thuốc tạm gọi là bình thường, còn các loại thuốc biệt dược, người bệnh phải bỏ tiền túi. Hàng năm. chúng ta thanh toán 120.000 tỷ tiền thuốc thì bảo hiểm y tế chỉ thanh toán khoảng 37%, tỷ lệ này còn cao so với các nước trên thế giới.
Đề cấp giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, cần duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, nhưng phải nâng mức đóng bảo hiểm trung bình lên, đây là câu chuyện dài hơi cần cố gắng.
Nguyên nhân thứ hai, nhiều bệnh nhân phản ánh rằng đây là do có tiêu cực do có sự móc nối giữa bác sỹ điều trị và các trình dược viên, công ty thuốc, các nhà thuốc để ăn hoa hồng. Hiện tượng này có, nhưng không phổ biến và ngành y tế đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý trong nhiều năm qua.
"Để khắc phục tình trạng này, chỉ có một cách là công khai minh bạch bằng công nghệ thông tin. Có đến 20.000 loại thuốc và dịch vụ, có hàng triệu lượt khám/năm thì thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa? Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tin học hóa và đang làm rất tốt, đẩy nhanh tiến độ như cung cấp dịch vụ công, nền tảng khám chữa bệnh từ xa. Tới đây, sẽ kết nối hệ thống khám chữa bệnh các cơ sở y tế, các nhà thuốc bằng hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới minh bạch", Phó Thủ tướng nói.
Lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương sang 1/7/2022 Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) đặt câu hỏi về vấn đề lương hưu cho những người nghỉ trước năm 1953. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1953 và khoảng 400.000 người nghỉ hưu ở các thời điểm khác nhau nhưng lương hưu rất thấp - dưới 3 triệu đồng, thậm chí chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vì thế, Chính phủ tính toán phương án có một khoản bù thêm do ngân sách Nhà nước đảm bảo, áp dụng với khoảng 400.000 người với mức 500.000 đồng/người/tháng. Tính ra mất khoảng 2.400 tỷ/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nguồn thu nên các cơ quan có thẩm quyền đã lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương thay vì đầu 2021 sẽ lùi sang 1/7/2022. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1953, Bộ LĐ, TB&XH sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay 6-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất...
Nguồn: [Link nguồn]