Chính phủ: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2013

Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định. Khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.

Sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế

Sáng nay 20/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt việc thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.

Theo đánh giá chung của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá như điện, than bán cho điện, nước, giáo dục, y tế... theo cơ chế thị trường còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Chính phủ, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao, tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; số đăng ký mới thấp hơn so với cùng kỳ.

Chính phủ: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2013 - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

“Chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống”, ông Phúc nói.

Các khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo còn bất cập. Hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ông Phúc còn chỉ ra một khó khăn về hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao. Năng lực, phẩm chất của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thái độ ứng xử cửa quyền, vô cảm.

Công khai, minh bạch giá xăng dầu, điện...

Chính phủ dự báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định. Giá một số hàng hóa cơ bản (dầu thô, hàng nông sản...), mặt bằng giá hàng hóa thế giới và lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Cụ thể, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa. Giảm mặt bằng lãi suất hợp lý; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục ổn định thị trường vàng, huy động nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế.

Giá xăng dầu điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo Phó Thủ tướng, những tháng còn lại của năm 2013, thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương). Trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong nước và nước ngoài.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng

Nói về những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững. Tiềm lực quốc phòng tiếp tục được củng cố. Tăng cường quản lý biên giới, các hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển, bảo vệ và cứu nạn ngư dân; chỉ đạo kịp thời, phù hợp, bảo đảm chủ quyền nước ta trên Biển Đông”.

Phó Thủ tướng cho biết, những tháng cuối năm 2013, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Cụ thể, tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Củng cố nền quốc phòng toàn dân. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, các hoạt động kinh tế trên biển, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Tiếp cận khoa học công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại. 

Chính phủ cũng kiên trì, nhất quán chủ trương giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động đối thoại về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Tăng cường công tác thông tin và tuyên truyền đối ngoại, nâng cao hình ảnh Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN