Chim trời bất ngờ trở về sau thời gian dài mất tích, làng lập nhóm bảo vệ
Đó là câu chuyện đã và đang diễn ra tại thôn Hưng Thủy, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Đất lành chim đậu
17h chiều, khu vực bàu Côi (xóm Hưng Thuỷ, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), náo động đến khác thường. Từ khắp mọi nơi, từng đàn cò trắng muốt bay về đây ngủ nghỉ sau một ngày lặn lội kiếm ăn. Tiếng cánh cò vỗ, tiếng cò gọi nhau nháo nhác ngay chính giữa khu dân cư rộng lớn.
Cứ chiều về, hàng ngàn con cò, cói lại trở về bàu Côi để trú ngụ
Theo nhiều người lớn tuổi ở nơi đây, bàu Côi vốn là một đầm lầy rộng nằm giữa nhiều đồi thấp. Xưa kia, bàu quanh năm ngập nước, giữa bàu có nhiều sen, ốc và cá. Mùa Hè sen nở rộ khắp mặt bàu, tỏa hương thơm ngát. Người dân trong vùng còn lưu câu ca “Cá bàu Côi, xôi bàu Lầy”, để nói về sự phong phú tôm cá ở bàu Côi.
Mấy chục năm trở lại nay, nhờ việc đào mương thoát nước, phát triển thủy lợi, bàu Côi đã cạn dần và được chia cho các hộ dân để cải tạo trồng lúa, trồng sen… Tuy nhiên, một số diện tích ở giữa bàu lầy lội, khó sản xuất, người dân bỏ hoang. Cây Và (một loại cây bụi-PV) phát triển mạnh, trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim.
Ông Nguyễn Văn Hà, nguyên xóm trưởng xóm Hưng Thuỷ, kể: bàu Côi trước đây rất nhiều Sen và cây Và. Sau khi tôn tạo xong đền Nhôn Sơn ở gần đó, Sen càng phát triển, có năm thu hoạch được hàng chục tấn hạt. Thấy vậy, xóm chia cho mỗi nhà một ít để sản xuất.
Xác tín câu chuyện này, vợ ông Hà cho biết thêm: Không chỉ Sen, trong bàu còn có rất nhiều ốc, cá. Chỉ cần xuống bàu mò một lúc là có cả yến ốc bươu đen. Không những vậy, cò và các loại chim khác cũng về đây kiếm ăn, sinh sản rất nhiều. “Có thời kỳ, một đêm ra bàu đi soi, chú nhà tôi nhặt được cả rổ trứng chim cuốc”, vợ ông Hà kể.
Những cánh cò trắng muốt tạo nên khung cảnh bình yên cho nơi đây
“Đất lành, chim đậu”, nhưng có nhiều người dân trong vùng không có ý thức gìn giữ, bảo vệ. Không những vậy, ban đêm còn đi soi, đánh bắt để chế biến những con chim, con cò thành món ăn, món nhậu khoái khẩu. Thành ra, chỉ trú ngụ một thời gian ngắn, chim cò đều trốn tránh đi nơi khác.
Từ khoảng giữa tháng 8 năm nay, bàu Côi lại xuất hiện nhiều đàn cò về trú ngụ, đậu trắng trên những cây và giữa bàu rộng khoảng 1,5 ha. Số lượng cò lúc đông nhất ước tính khoảng vài nghìn con. Ngoài cò, còn có một số loài chim khác như cói, vịt trời, cuốc…
Hàng ngày, lúc mờ sáng, khi chưa rõ mặt người, các đàn cò đã nhao nhác rời bàu Côi đi kiếm ăn. Chiều muộn, khi trời nhá nhem tối, những đàn cò lại bay về chao lượn, đậu trắng khu vực trung tâm của bàu.
“Trước đây, cò chủ yếu về bàu Côi để kiếm ăn. Lần này, cò kiếm ăn nơi khác, về đây ngủ nghỉ. Những hôm trời động mưa, hàng nghìn con cò chao liệng trắng cả một vùng. Một điều kỳ lạ nữa là xung quanh đây rất nhiều rừng núi, nhưng cò lại chọn 1 vùng đầm nước ngay chính giữa khu dân cư để trú ngụ”, ông Phan Tuấn Chất, trưởng ban công tác mặt trận thôn Hưng Thuỷ cho biết.
Người dân cắm biển câm săn bắn các loài chim ở bàu Côi
Làng lập nhóm bảo vệ chim trời
Từ ngày có nhiều đàn cò xuất hiện, bà con xóm Hưng Thủy, đặc biệt là người dân sống xung quanh như sôi động, giàu sức sống hẳn lên. Cứ mỗi sáng bình minh thức dậy, hay buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, hàng ngàn cánh cò lại chao liệng giữa bàu Côi, tạo nên một quang cảnh yên bình, thanh bình, ấm áp cho vùng quê.
Người dân nơi đây xem chuyện cò về bàu Côi là “điềm” lành cho đất và người nơi đây; tín hiệu tốt về môi trường sinh thái. Vì vậy, không ai bảo ai, từ cán bộ cho đến người dân đều đồng lòng bảo vệ, cấm mọi người săn bắt chim, cò.
Để công tác bảo vệ được bài bản, quy cũ, người dân nơi đây đã thành lập 1 tổ tự quản bảo vệ. Tổ bảo vệ hoạt động theo tinh thần tự nguyện, các thành viên tham gia tuần tra, theo dõi chặt chẽ đàn cò, nhất là khi đêm về. Tổ đã lập “Nhóm bảo vệ cò bàu Côi” trên facebook để các thành viên liên lạc, thông báo cho nhau khi cần. Ngoài ra, tổ tự quản trong khu dân cư kêu gọi người dân chung tay bảo vệ cò trên hệ thống loa truyền thanh, cắm biển cấm săn bắt chim cò ở các góc bàu.
Anh Phan Đình Thịnh, một thành viên tổ bảo vệ cho biết: Hàng ngày, có người lạ vào xóm, tìm đến bàu Côi là bà con sẽ thông báo ngay cho các thành viên tổ bảo vệ. Ban đêm, tổ còn chia nhau đi tuần, khi “có động” ở bàu Côi bất chấp thời gian nào, tổ bảo vệ và người dân đều có mặt ngay.
Nhờ sự bảo vệ của người dân mà đàn cò trở về bàu Côi ngày một nhiều
“Từ khi thành lập đến nay, có một số người săn chim ở nơi khác đến có ý định săn bắn cò đã được tổ bảo vệ và người dân trong xóm kịp thời phát hiện và ngăn chặn”, anh Thịnh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hà, nguyên xóm trưởng xóm Hưng Thuỷ cho biết thêm: Vừa qua, trong cuộc họp chi bộ, nhiều đảng viên cũng đưa vấn đề này ra trao đổi. Tất cả mọi người đều thống nhất, phải tăng cường công tác bảo vệ đàn chim, cò ở bàu Côi nói riêng và trên toàn thôn xóm nói chung.
Ông Lưu Văn Hoà - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Xã đã nắm được thông tin rất nhiều chim, cò về trú ngụ tại vùng bàu Côi, xóm Hưng Thuỷ. Địa phương cũng rất ghi nhận việc người dân trong xóm thành lập tổ tự quản để bảo vệ chim, cò khỏi bị săn bắn. Do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên chưa có hỗ trợ tổ tự quản mà chỉ động viên duy trì để bảo vệ chim trời.
Ngoài ra, xã cũng đã giao cho cán bộ văn hoá thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và bảo vệ chim trời nói riêng. Đồng thời, đề nghị công an xã thường xuyên quan tâm và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp săn, bắn chim, cò trên địa bàn.
Phát hiện con chim lạ bay lạc vào nhà, một hộ dân tại quận Gò Vấp (TP.HCM) đã bắt giữ và trình báo lực lượng chức năng.
Nguồn: [Link nguồn]