Chim lạ ở Đà Nẵng, Bình Định có thể là bồ câu đua
Chim mà người dân Đà Nẵng và Bình Định bắt được trong mấy ngày qua có thể là các “chiến binh” đua đường biển xuất xứ từ lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ cuối tháng 9 đến nay, người dân tại TP Đà Nẵng và tỉnh Bình Định đã phát hiện nhiều chim bồ câu mang các khuôn chữ tiếng Trung Quốc. Các ký tự này được in nổi bên dưới cánh chim. Ngoài ra dưới hai cổ chân chim có mang vòng kiềng bằng nhựa chứa các dãy số khác nhau. Khi mở các vòng kiềng này thì bên trong có một chiếc thẻ gần giống với thẻ nhớ điện thoại di động.
Do nghi ngờ các ký tự và mã số lạ này có thể xâm hại đến an ninh quốc gia nên người dân đã báo tin cho cơ quan chức năng. Công an TP Đà Nẵng cho biết đã chuyển toàn bộ mẫu ký tự và vòng kiềng mang các mã số lạ lấy từ chim bồ câu mà người dân địa phương bắt được ra Bộ Công an nhờ hỗ trợ giải mã.
Thông tin trên đã làm xôn xao giới đua chim mấy ngày qua. Sau khi báo đăng, nhiều người dân trong giới đua chim phản ánh với Pháp Luật TP.HCM rằng có thể đó là chim bồ câu đua đường biển.
Đóng dấu vào cánh chim trước chặng đua. Ảnh: P.ĐIỀN
Mỗi chim đua có hai kiềng
Anh Nguyễn Hà (Chi hội Bồ câu quận 8, TP.HCM), một người có thâm niên 10 năm trong nghề bồ câu đua tại TP.HCM, cho biết đối với dân trong nghề thì các “chiến binh” (tên dành cho bồ câu đua) này không hề xa lạ.
Anh Hà nhận định rất có khả năng chim mà người dân Đà Nẵng và Bình Định bắt được có xuất xứ từ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan đang tham gia một cuộc đua đường biển nào đó. Đặc điểm của các cuộc đua này thường thả ngoài biển, do vậy những “chiến binh” phải bay liên tục trên biển. Nếu chim đua nào khát nước, đói, không đủ sức khỏe thì sẽ hạ cánh tạm thời trên các tàu cá của ngư dân để lấy sức về đất liền. Một số “chiến binh” có thể gặp gió to, bão bị kiệt sức nên đậu xuống nhà dân và bị bắt.
Bồ câu đua thường đeo hai kiềng, một kiềng có ghi số thứ tự và tên chủ chim hoặc câu lạc bộ. Kiềng còn lại thường màu xanh lá, xanh dương, bằng nhựa cứng, khi đập bể bên trong có một tụ nhỏ như bóng đèn. Trước khi cuộc đua bắt đầu, các chủ chim sẽ mang “chiến binh” đến ban tổ chức và thông số trên kiềng chip sẽ được lưu giữ bằng hệ thống máy tính.
Ngoài ra trên cánh các “chiến binh” sẽ được đóng dấu giáp lai, nội dung thể hiện tên cuộc đua mà chim tham gia. Chim nào càng có nhiều dấu chứng tỏ đã tham gia nhiều cuộc đua khác nhau.
Đóng dấu giáp lai trên cánh chim tại một cuộc đua ở Việt Nam. Ảnh: H.NGUYỄN
Chim thất lạc là chuyện thường
Anh Vũ Đức Cường, chơi bồ câu đua hơn sáu năm nay, thuộc Chi hội Lũy Bán Bích (Hội Bồ câu Việt Nam), cho biết thêm: “Trong các cuộc đua thì đua đường biển là đẳng cấp nhất. Một phần do quãng đường đua từ đảo vào đất liền xa và không có chỗ nghỉ chân, chưa kể trong chặng bay nếu gặp gió to sẽ đẩy “chiến binh” đi lạc hướng nên bị thất lạc chim. Do vậy các “chiến binh” tham gia các cuộc đua đường biển đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, đã chinh chiến qua các cuộc đua trước đó mới vượt qua các cuộc đua đường biển”.
Theo anh Cường, không chỉ đua trên biển các “chiến binh” mới bị thất lạc mà trên đất liền chim vẫn lạc lối về như thường, thậm chí bị mất do kiệt sức, bị đặt bẫy. Tuy nhiên, tình trạng chim bị thất lạc trên đất liền hạn chế hơn, do trong quá trình bay chim khát nước hoặc mệt có thể dừng lại tìm chỗ uống nước, nghỉ ngơi rồi mới định hình tìm đường bay về nhà. Cá biệt có “chiến binh” thất lạc đường về hàng tháng trời nhưng sau đó vẫn tìm đường về nhà khiến chủ chim mừng như bắt được vàng.
“Cách nay hai năm, khi đó chúng tôi có tổ chức cuộc đua biển, chim thả từ đảo Phú Quốc về TP.HCM. Do chưa chinh chiến nên nhiều chim đã đậu vào tàu thuyền ngư dân khá nhiều khiến các ngư dân hoang mang và gọi điện thoại thắc mắc. Các anh em chơi chim lúc đó đã phải có lời giải thích ngay để người dân yên tâm” - anh Cường chia sẻ.
“Với các cuộc đua thu hút hàng ngàn “chiến binh” tham gia sẽ rất khó quản lý, do vậy họ sẽ gắn chip vào chân trước lúc thả chim bay. Khi “chiến binh” bay về lồng, con chip sẽ tự động phát ra tín hiệu để ban tổ chức biết” - anh Cường giải thích.
Những năm 1850-1870, môn bồ câu đua phát triển ở Bỉ. Để có thể quản lý các “chiến binh”, kiềng (khoen) bồ câu ra đời. Sau đó, các hiệp hội bồ câu của các quốc gia (NPAs) đã thống nhất việc đặt mã kiềng bồ câu. Mã kiềng được dựa theo các chữ cái đầu tiên (theo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) của tên nước. Trong một quốc gia, ngoài hiệp hội bồ câu đua thì còn có các hiệp hội khác gồm bồ câu kiểng, hiệp hội bồ câu hoàng gia (Bỉ, Anh…). Do đó mỗi quốc gia cũng có nhiều mã kiềng khác nhau. Ngoài ra còn có mã kiềng của các câu lạc bộ, địa phương… ______________________________________ Nghề chơi bồ câu đua đã diễn ra từ khá lâu, các nước có dân chơi chuyên nghiệp thường gắn chip cho chim đua với chi phí khá cao nhưng quản lý rất chuyên nghiệp. Còn trong nước chỉ chơi thủ công bằng cách gắn các mã số có dán lớp bạc, chim bay về chỉ việc cào ra báo cho ban tổ chức là được. Anh Vũ Đức Cường, Chi hội Lũy Bán Bích (Hội Bồ câu Việt Nam) |