Chiều nay xử phúc thẩm vụ nhà báo bị đốt

Phiên xử phúc thẩm do TAND tối cao tại TP.HCM đưa vụ án bà Trần Thúy Liễu đốt chồng là nhà báo Hoàng Hùng, Báo Người Lao Động TP.HCM sẽ diễn ra chiều nay (22/6).

Vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (SN 1960), phóng viên của báo Người Lao Động bị sát hại xảy ra vào rạng sáng 19/1/2011 tại Khu dân cư Đại Dương, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An.

Tối ngày 18 rạng sáng 19/1/2011, trong lúc đang ngủ tại nhà riêng ở Khu Dân cư Đại Dương, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An, nhà báo Lê Hoàng Hùng bị  phóng hỏa đốt, gây phỏng độ III, với 49% cơ thể và đã tử vong sau hơn 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Hơn một tháng sau, bà Trần Thúy Liễu (SN 1971), vợ nhà báo Hoàng Hùng đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đầu thú, khai nhận là người đã phóng hỏa đốt chồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã khởi tố và bắt tạm giam bà Liễu. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã có bản kết luận điều tra, xác định bà Liễu là hung thủ duy nhất đốt nhà báo Hoàng Hùng vì mâu thuẫn gia đình. Hồ sơ được chuyển sang VKSND tỉnh Long An đề nghị truy tố.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ cùng với bản kiến nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại Hoàng Hùng, VKSND tỉnh Long An có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành điều tra bổ sung nhưng cũng không làm thêm được nội dung gì mới. Do vậy, ngày 20/10/2011, VKSND tỉnh Long An đã có bản cáo trạng số 89/QĐ-KSĐT và chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh Long An truy tố bà Trần Thúy Liễu về tội danh “giết người”. Sau đó, TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên bị cáo Liễu tù chung thân về tội “giết người”, nhưng không có đồng phạm, chỉ một mình bị cáo Liễu lãnh án, khiến dư luận hoài nghi.

Bản thân bị cáo Liễu kháng cáo kêu “án quá nặng”, gia đình nạn nhân cũng kháng cáo…

Trong đó, Báo Người Lao Động, cơ quan của nhà báo Hoàng Hùng đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng, vì cho rằng nhiều tình tiết trong vụ án đã bị bỏ qua, vụ án có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội.

Theo luật sư bảo vệ bị hại, trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An điều tra, truy tố, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại Lê Hoàng Hùng đã có hai bản kiến nghị đề nghị xem xét vụ án có dấu hiệu đồng phạm hay khôn ? Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An vẫn xác định vụ án sát hại nhà báo Lê Hoàng Hùng là do một mình bà Trần Thúy Liễu thực hiện.

Theo Báo Người Lao Động trong văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cùng với việc thu thập tài liệu từ hoạt động nghiệp vụ báo chí, với tư cách là cơ quan của người bị hại, chúng tôi thấy rằng, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An và quyết định truy tố của VKSND tỉnh Long An và phán quyết của phiên tòa sơ thẩm đối với một mình bà Trần Thúy Liễu là có dấu hiệu lọt người, lọt tội, chưa xác định đúng sự thật khách quan của vụ án. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Qua nhiều nguồn tin, chúng tôi được biết các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã không đưa lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng vào hồ sơ vụ án. Chúng tôi cho rằng việc để lời sinh cung của nạn nhân ra ngoài hồ sơ là một sai lầm nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án.

Thứ hai: Trong hồ sơ vụ án cũng như qua hoạt động nghiệp vụ báo chí, chúng tôi xác định, trước, trong và sau khi nhà báo Lê Hoàng Hùng bị đốt, điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Long An – tình nhân của bà Trần Thúy Liễu) đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ bà Liễu để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách khai, nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Đặc biệt, ông Tâm còn rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại của bà Liễu. Trong báo cáo của Giám đốc Công an tỉnh Long An gửi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An đã xác định ông Tâm có dấu hiệu che giấu tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm rõ nội dung của những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn này xem có liên quan đến vụ án hay không và vì sao có sự liên lạc một cách bất thường giữa bà Liễu và ông Tâm? Đáng nói hơn, trong cả kết luận điều tra và bản cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm không nhắc gì đến việc này.

Thứ ba: Việc tiến hành thực nghiệm điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; chưa phù hợp với hiện trường vụ án.

Thứ tư: Lời khai của nhân chứng, người liên quan, bị can còn rất nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An tiến hành đối chất, xác minh làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Thứ năm: Động cơ, mục đích phạm tội của bà Trần Thúy Liễu chưa được rõ ràng và không phù hợp với diễn biến của vụ án.

Ngoài ra, còn rất nhiều tình tiết khác của vụ án mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An, cũng như trong phiên xét xử sơ thẩm, vẫn chưa làm rõ nhưng qua hoạt động nghịệp vụ báo chí chúng tôi đã thu thập được, vụ án chưa xét xử một cách toàn diện, khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Linh ([Tên nguồn])
Nhà báo Hoàng Hùng bị đốt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN