Chiều nay, tuyên án Dương Tự Trọng và đồng phạm

Sáng 8/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Dương Tự Trọng, em trai của Dương Chí Dũng (người vừa bị tuyên án tử hình trong vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines).

Theo báo Dân Việt:

Trong phần tranh luận, HĐXX cho các bị cáo: Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng tự bào chữa cho mình.

Các bị cáo này đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo, hành vi giúp Dương Chí Dũng trốn là vì tình nghĩa anh em và vì nể nang.

Bị cáo Đồng Xuân Phong thừa nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố mình về hành vi giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn là đúng vì do tình cảm anh em giúp nhau, bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội nên đã thành khẩn khai báo nhưng mức án mà Viện kiểm sát đề nghị là nặng cho bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn (nguyên giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng) cho rằng, quá trình đưa Dương Chí Dũng đi trên ô tô trốn chạy, Phạm Minh Tuấn không trao đổi, bàn bạc cũng như không biết mục đích chở Dương Chí Dũng.

Cũng theo Luật sư, toàn bộ quá trình Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia thì Tuấn không biết, chỉ đến khi biết tin Dũng bị truy nã thì mới giật mình.

Chiều nay, tuyên án Dương Tự Trọng và đồng phạm - 1

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (8/1). (Ảnh: Đức Minh - Pháp luật TP.HCM)

Đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư và các bị cáo, công tố viên cho rằng: Việc các luật sư cho rằng cáo trạng truy tố các bị cáo là không có căn cứ, nhưng hành vi đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài để tránh sự truy bắt của cơ quan công an (Dương Chí Dũng bị bắt nằm ngoài ý muốn các bị cáo) đã gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận.

Vụ án đã khá rõ: Có kẻ chủ mưu, cầm đầu, có kẻ giúp sức… Cơ quan tố tụng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Việc đề nghị mức án cho các bị cáo như vậy là đủ sức răn đe của pháp luật và tương xứng với hành vi của các bị cáo.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng – bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn, lập luận: Viện kiểm sát truy tố 2 bị cáo này vào khoản 3 Điều 275 Bộ luật Hình sự là quá nặng và việc không đưa nhân thân của các bị cáo để giúp các bị cáo được xem xét tình tiết giảm nhẹ là không phù hợp quy định pháp luật.

Theo báo Tiền Phong:

Trong sáng 8/1, bị cáo Dương Tự Trọng tiếp tục nói không phủ nhận cũng không khẳng định các lời khai liên quan đến mình.

HĐXX cho phép ông Dương Chí Dũng, với vai trò nhân chứng trong vụ án này, có ý kiến. Ông Dũng cho biết, những điều cần nói đã nói hôm qua rồi, nên ngay lập tức dừng lời.

VKS tiếp tục đối đáp lại ý kiến của các luật sư. VKS tiếp tục nhấn mạnh việc bị án Dương Chí Dũng bỏ trốn là bất hợp pháp.

Bằng chứng là, việc qua Campuchia phải qua con đường tiểu ngạch, và khi đến Mỹ đã buộc phải quay về do không được tiếp nhận. VKS tái khẳng định vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn là đặc biệt nghiêm trọng. "Các bị cáo biết rõ ông Dũng phạm tội như nào và liên tục được Dương Tự Trọng dặn dò "cấm được tiết lộ" - VKS nói tại tòa.

Theo báo Người Lao Động:

Trước ý kiến của luật sư về việc xuất hiện các tình tiết mới từ lời khai của Dương Chí Dũng trong phiên xét xử ngày 7/1 khiến tính chất vụ án có thể thay đổi nên cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vị đại diện VKS cho rằng vụ án đã được điều tra đầy đủ, kết quả thu được đã chứng minh được hành vi phạm tội của 7 bị cáo. Bản thân các bị cáo không nêu ra được tài liệu nào chứng minh được mình không phạm tội nên không nhất thiết phải làm như vậy.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho Dương Tự Trọng, tiếp tục đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án vì xuất hiện tình tiết mới do nhân chứng Dương Chí Dũng cung cấp. “Tình tiết mới đó quyết định đến tính chất và làm thay đổi vụ án” - luật sư Hưng nói.

Chiều nay, tuyên án Dương Tự Trọng và đồng phạm - 2

Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ án vì xuất hiện tình tiết mới "người mật báo" làm thay đổi vụ án (Ảnh: Người Lao Động)

Luật sư Hưng cho rằng việc có một quan chức cấp cao mật báo “chú lánh đi” cho Dương Chí Dũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bởi nếu không có tin báo đó thì sự việc đã không xảy ra như vậy. “Chính vì thế hội đồng xét xử cần xem xét dừng vụ án này lại để điều tra bổ sung. Sau phiên tòa ngày hôm qua các trang thông tin trên mạng, quốc tế rất quan tâm tới vụ án này. Mong muốn được hội đồng xét xử sẽ giải đáp thỏa đáng trong bản án” - luật sư Hưng bày tỏ.

9h26: HĐXX kết thức phần tranh luận, chuyển sang nghị án. 

10h: HĐXX tuyên bố nghỉ, nghị án. 15h chiều nay (8/1) tòa sẽ tuyên án.

Các bị cáo nói lời sau cùng:

Bị cáo Vũ Tiến Sơn: "Mong HĐXX xem xét thấu đáo hành vi phạm tội của tôi để tôi tâm phục khẩu phục và sớm được trở về với gia đình.

Bị cáo Phạm Minh Tuấn: "Tôi mong HĐXX sáng suốt xem xét xem hành vi của tôi có phạm tội hay không?".

Bị cáo Trần Văn Dũng: "Mong HĐXX xem xét, bị cáo đã thành khẩn trước cơ quan pháp luật, gia đình bị cáo có công với cách mạng, mong được khoan hồng".

Bị cáo Hoàng Văn Thắng: "Bị cáo ngay thời gian thực hiện hành vi phạm tội đã thành khẩn khai báo, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo BLTTHS và BLHS. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo. Cái mất lớn nhất của bị cáo là không còn được đứng trong lực lượng bảo vệ pháp luật, bị khai trừ khỏi Đảng, không còn được sinh hoạt Đảng. Bị cáo còn để lại vết xấu trong lý lịch một gia đình. Đó là sự trừng phạt, răn đe  lớn nhất của pháp luật… Bị cáo mong muốn được sớm trở về với gia đình, được chăm sóc phục dưỡng bố mẹ, được có thời gian để “sửa” lại lý lịch".

Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh: "Cũng như tất cả các bị cáo đứng trước phiên tòa hôm nay, cái mất lớn nhất của bị cáo chính là nền tảng và truyền thống gia đình, là tương lai, sự nghiệp. Đó là bản án nghiêm khắc nhất rồi. Còn hình phạt tù, có người bị phạt tù rất nặng nhưng họ vẫn không hiểu được, ra tù vẫn phạm tội. Có những người chỉ cần mất vậy thôi là họ đã giác ngộ được rồi và chắc chắn là không bao giờ vi phạm. Tù trong tâm là quan trọng, song sắt chỉ là hình thức bên ngoài.

Bản án của pháp luật là đình chỉ Đảng, đình chỉ công tác là điều răn đe lớn nhất đối với bị cáo và gia đình bị cáo rồi. Mong HĐXX xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ để cá nhân bị cáo được hưởng sự khoan hồng.

Cũng là cuối năm rồi, bị cáo có lời chúc mừng năm mới đến HĐXX, đến toàn thể người thân của các bị cáo, đến toản thể cán bộ chiến sỹ còn đang công tác trong ngành hãy vững vàng, dù có sai sót một chút mình hãy cố gắng. Đừng nghĩ rằng các bị cáo hôm nay từng công tác trong ngành bị bản án này mà chùn bước mà phải nói không với tội phạm, sai thì sẵn sàng đứng ra nhận lỗi để sửa sai.

Bị cáo xin chúc mừng năm mới đến toàn thể các vị có mặt trong hội trường hôm nay, xin chúc sức khỏe và một gia đình hạnh phúc. Không có gì quý hơn hạnh phúc gia đình….

Bị cáo Đồng Xuân Phong: "Kể từ khi bị bắt, bị cáo đã rất thành khẩn khai báo thừa nhận hành vi phạm tội. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án thấp nhất, để bị cáo sớm có điều kiện chăm sóc gia đình, vợ con.

Bị cáo Dương Tự Trọng: "Cho phép tôi được nói tâm tư, tình cảm trong vòng hơn một phút. Do lâu ngày không được phát biểu, nếu có gì lạc hậu mong HĐXX châm chước. Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi, thời gian qua tôi luôn sống với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Tôi vẫn thầm ước được chịu tội thay anh tôi và mong anh tôi được hưởng sự khách quan, khoan hồng của pháp luật và lòng từ bi, khoan dung, vị tha của người đời. Tình cảm ấy mỗi con người ai cũng có. Mong mọi người thông cảm. Với những bị cáo khác, mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm được trở về với cuộc đời. Cá nhân tôi xin chấp hành nghiêm túc mọi hình phạt".

Theo báo Pháp luật TP.HCM

Vào cuối giờ chiều hôm qua (7/1), theo bản luận tội của đại diện Viện KSND TP Hà Nội, trong vụ án, về căn bản, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng và ăn năn hối cải.

Riêng Dương Tự Trọng, quá trình xét xử, bị cáo này tỏ thái độ ngoan cố, thể hiện ý thức coi thường bất chấp pháp luật của bị cáo, do đó, phải xử lý nghiêm khắc.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn thành khẩn khai báo, cần được xem xét trách nhiệm nhẹ hơn bị cáo Trọng, nhưng nặng hơn các bị cáo khác.

Từ những căn cứ trên, mức án đề nghị của Viện Kiểm sát đối với các bị cáo:

1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) 18-20 năm tù.

2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng) 17-18 năm tù.

3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng) 6-7 năm tù.

4. Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã: 6-7 năm tù.

5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy: 6-7 năm tù.

6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng): 6-7 năm tù.

7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng): 5-6 năm tù.

Theo báo Tiền Phong

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dân Việt - Tiền Phong - Người Lao Động - Pháp luật TP.HCM
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN