Chiến sự ở Libya qua lời kể của lao động Việt
Xuất thân từ vùng quê nghèo, nhiều nông dân đánh liều vay nợ ngân hàng đi xuất khẩu lao động với ước mong đổi đời. Thế nhưng, vì giao tranh dữ dội ở Libya, họ phải chấp nhận về nước, mang theo gánh nặng nợ nần.
Ngày 10/8, chuyến bay đưa 184 lao động Việt Nam tại Libya đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Sau khi thực hiện công tác kiểm dịch y tế tại sân bay, đến 15h, đoàn lao động được đưa về các bến xe trung tâm thành phố để về quê.
Hành trình “thót tim”
May mắn trở về từ vùng chiến sự Libya ác liệt, những người lao động nghèo khó không kìm nổi giọt nước mắt xúc động khi gặp lại người thân nơi quê nhà.
Người lao động Việt Nam vui mừng khi trở về từ vùng chiến sự ác liệt.
Ông Nguyễn Văn Phồng (50 tuổi), ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội là một trong hàng trăm lao động đi xuất khẩu lao động ở Libya. Trước lúc đi, ông Phồng nuôi hy vọng cuộc sống sẽ bớt nghèo sau 2 năm làm việc tại Libya. Tuy nhiên, ông lại phải về nước sớm vì giao tranh ác liệt ở Libya.
Ông Phồng kể, sang bên Libya, ông được công ty sắp xếp cho làm thợ mộc, ngày làm 8 tiếng. Ông ở cùng phòng với 10 người khác (đều là lao động Việt Nam). Sau 8 tháng lao động, đến đầu tháng 8/2014, ông cùng các công nhân khác nhận được thông báo về nước vì chiến sự bùng phát dữ dội ở Libya.
“Trong những ngày chờ đợi về nước, tôi cùng các công nhân khác rơi vào tâm trạng lo lắng, bất an. Có những đêm đang ngủ, chúng tôi bỗng giật mình thức giấc vì nghe tiếng súng nổ đùng đoàng ở ngoài”, ông Phồng nói.
Ông Nguyễn Văn Phồng (50 tuổi), ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội là một trong hàng trăm lao động đi xuất khẩu lao động ở Libya.
Ông Phồng cho biết, ngày 10/8, hơn 184 lao động ở Libya đã được phía công ty TNHH Hyundai Engineering di chuyển bằng ô tô ra sân bay tại Cairo (Ai Cập), sau đó bay về Việt Nam. Khi đoàn lao động di chuyển ra sân bay đã bị lực lượng có vũ trang chặn lại kiểm tra.
“Quãng đường từ chỗ làm ở Libya ra tới sân bay ở Ai Cập chỉ khoảng 30km nhưng đoàn chúng tôi bị lực lượng có vũ trang kiểm tra tới 2 lần. Mỗi lần bị dừng xe kiểm tra, lực lượng này luôn lăm lăm tay súng khiến ai ở trên xe cũng sợ thót tim”, ông Phồng kể lại.
Ông Lê Văn Do (40 tuổi) ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội cũng là lao động ở Libya về ngày 10/8. Ông Do nấu ăn cho công nhân tại công trường Libya. Ông sang lao động tại Libya từ tháng 9/2013, thời hạn hợp đồng 2 năm.
Ông Do cho hay, nơi ông làm việc cách khu vực xảy ra chiến sự khoảng 300km, tuy nhiên, hằng đêm ông vẫn nghe thấy tiếng súng nổ. Người dân Libya (gần chỗ ông làm việc) ai cũng có súng để trong nhà hoặc xe hơi.
“Chúng tôi xem vô tuyến thấy chiến sự ở Libya rất ác liệt. Do vậy, lúc còn làm việc tại đây, ai cũng hoảng sợ, lo lắng. Đặc biệt, trong thời gian chờ đợi hơn một tuần trước khi về nước, nhiều người đã thức trắng đêm đếm từng giờ chờ tới ngày ra sân bay về Việt Nam”, ông Do nói.
Ông Lê Văn Do (40 tuổi) ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, là lao động ở Libya về nước ngày 10/8.
Ông Do cho hay, đây là lần thứ hai ông sang Libya làm việc. Tháng 2/2010, ông ký hợp đồng với công ty Vinamec (đối tác của công ty TNHH Hyundai Engineering, Hàn Quốc) sang làm việc tại đây 2 năm. Tuy nhiên, ông Do mới làm việc được 7 tháng thì phải về nước vì thủ đô Tripoli (Libya) xảy ra giao tranh.
“Nơi tôi làm việc (thời điểm năm 2010) chỉ cách vùng xảy ra giao tranh khoảng 20km. Do đó, chúng tôi nghe rất rõ tiếng súng nổ. An ninh ở đây hỗn loạn, người dân lao vào các công ty cướp bóc. Thậm chí, chúng tôi trên đường về còn bị lấy mất điện thoại, máy tính”, ông Do nhớ lại.
Gánh nặng nợ nần
Trước khi sang Libya, ông Nguyễn Văn Phồng đã vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng để làm chi phí đi lại. Ông xuất ngoại lao động với hy vọng giúp gia đình thoát nghèo. Thế nhưng, mới đi được 8 tháng, ông lại phải về nước. Giờ đây, mối lo toan về cơm áo, gạo tiền lại tiếp tục đè nặng lên đôi vai ông.
Gương mặt còn nguyên nỗi lo âu khi từ vùng chiến sự trở về, ông Phồng nói: “Khi đi, tôi được phía công ty ký hợp đồng trả 400 USD/tháng. Những tưởng sau 2 năm làm việc, ngoài việc trả được số nợ, tôi sẽ còn dư ra một ít để lo cho cuộc sống nhưng giờ thì hết hy vọng rồi. Hiện gia đình tôi còn nợ ngân hàng hơn 20 triệu đồng, thêm nữa lại phải lo chạy vạy tiền đóng tiền học phí cho cậu con trai đang học lớp 12”.
Cũng với hy vọng vươn lên thoát cảnh nông dân “chân lấm tay bùn”, ông Nguyễn Văn Kha, 42 tuổi, ở thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội cũng vay ngân hàng gần 50 triệu đồng đi xuất khẩu lao động ở Libya. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng lao động, số tiền tích ông Kha tích cóp được chỉ đủ bù đắp số vốn bỏ ra để đi xuất khẩu lao động, khoản tiền dư ra cũng không đáng kể.
“Từ lúc sang Libya đến khi về Việt Nam, tôi vẫn trắng tay. Số vốn bỏ ra để đi sang đó hết khoảng 50 triệu đồng. Hiện tại, gia đình tôi vẫn còn nợ ngân hàng khoảng 30 triệu đồng. Tôi chưa biết sẽ xoay sở ra sao”, ông Kha kể.
Theo ông Kha, nhà ông có hơn 1 sào ruộng. Hiện tại, ông phải còng lưng nuôi hai người con ăn học. Cậu con trai cả đang học đại học năm thứ 2, con gái út đang học lớp 10.
“Hôm về, tôi được phía công ty hỗ trợ hơn 1 triệu đồng tiền đi lại. Hiện tại, tôi cũng như bao người lao động khác đều mong muốn phía công ty hỗ trợ tìm việc ở một thị trường lao động khác để kiếm tiền trả nợ, ổn định cuộc sống”, ông Kha nói.
Xung đột tại Libya kéo dài hơn 3 năm nay, kể từ khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi bị lật đổ. Đất nước Bắc Phi diễn ra cuộc đối đầu đẫm máu giữa phong trào Hồi giáo cùng các phần tử có liên quan tới Al-Qaeda với đội quân do tướng về hưu Khalifa Hifter lãnh đạo. Trước tình hình chiến sự leo thang tại Libya, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tạm dừng đưa lao động sang làm việc tại nước này. Ngoài ra, Bộ lên kế hoạch đưa lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi (Libya) về nước. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện 3 chuyến bay từ Hà Nội đi Cairo (Ai Cập), nơi các lao động đang được tập hợp ở Ai Cập, vào các ngày 9, 10 và 11/8 bằng máy bay Airbus A330. Năm 2011, cũng do chiến sự Libya, khoảng 10.000 lao động Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lẫn người lao động thiệt hại nặng nề. |