Chiến lược mới chống TQ bành trướng Biển Đông của Mỹ
Mỹ sẽ tăng cường số lượng các cuộc tập trận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chiến lược mới của Mỹ nhằm chống lại sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông, quân đội Philippines ngày 26.8 tiết lộ.
Theo Reuters, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã nhấn mạnh những khía cạnh quan trọng của Chiến lược An ninh Hàng hải Châu Á - Thái Bình Dương mới của Lầu Năm góc trong các cuộc hội đàm với Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Hernando Iriberri trong chuyến thăm Manila đang diễn ra của ông.
Đại tá Restituto Padilla, một phát ngôn viên của quân đội Phillipines đã tiết lộ với báo giới rằng, Chiến lược An ninh Hàng hải Châu Á - Thái Bình Dương mới của Lầu Năm góc vạch ra đường lối hành động của Washington tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó, tập trung vào việc bảo vệ "các quyền tự do hàng hải", ngăn chặn xung đột và ép buộc, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Reuters dẫn một nguồn tin quân sự Philippines, một quan chức có mặt trong các cuộc hội đàm giữa Tướng Harris và Iriberri nói rõ hơn rằng, Mỹ dự kiến sẽ tăng cường các cuộc tập trận trong khu vực về cả số lượng, quy mô lẫn tính chất như là một phần trong chiến lược mới để chống lại sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một sĩ quan Hải quân Mỹ đang chỉ vào bức ảnh trên một màn hình máy tính được lắp đặt trên chiếc máy bay do thám P-8A Poseidon mà Mỹ sử dụng để tuần tra Biển Đông, mô tả các hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước, Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của nước này tại Biển Đông - khu vực được xem là có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa luân chuyển qua đây trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc cải tạo các rạn san hô, xây đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.
Washington đã nhiều lần cảnh báo, căng thẳng Biển Đông có thể cản trở tự do hàng hải tại tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại quốc tế.
Tuần trước, Lầu Năm góc công bố báo cáo cáo buộc, Trung Quốc vẫn đang gia tăng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông trong mấy tháng gần đây đồng thời đẩy mạnh tuần tra các vùng biển quanh đó nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của nước này. Theo báo cáo ngày 20.8 của Lầu Năm góc, hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đã tăng gần 50% so với hồi tháng 5 vừa qua.
Theo giới quan sát, sự phản đối của Mỹ đối với những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi xa hơn những lời phát biểu, cảnh báo. Washington đã tuyên bố rõ ràng sẽ tiếp tục tuần tra quân sự tại những vùng biển cũng như không phận mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.