Chiến đấu cơ TQ đe dọa máy bay săn ngầm Mỹ trên biển
Bắc Kinh đang hy vọng làm Mỹ chùn chân để có thể đẩy Mỹ khỏi châu Á, đưa Trung Quốc lên vị trí thống trị khu vực.
Ngày 21/8, Lầu Năm Góc của Mỹ cho hay một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay áp sát và đe dọa một máy bay săn ngầm P-8 của hải quân Mỹ trên vùng biển Hoa Đông hôm thứ Hai tuần này, thể hiện cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Đại tá Jeffrey Pool, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã bay áp sát chiếc P-8 ở khoảng cách nguy hiểm 15 mét và sau đó lộn vòng ngay trên đầu chiếc máy bay săn ngầm nhằm mục đích đe dọa máy bay Mỹ.
Một máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của hải quân Mỹ
Đây là lần thứ hai máy bay do thám Mỹ bị chiến đấu cơ nước ngoài đe dọa trong năm nay. Hồi tháng Tư, một chiếc Su-27 của Nga đã áp sát máy bay do thám RC-135 của Mỹ ngay trên vùng biển phía bắc Nhật Bản.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng việc Lầu Năm Góc không phản ứng quyết liệt với sự cố hồi tháng Tư có thể đã khuyến khích Trung Quốc thực hiện hành động nguy hiểm tương tự với máy bay do thám Mỹ.
Chiếc P-8 bị Trung Quốc đe dọa lần này thuộc phi đội săn ngầm đầu tiên của hải quân Mỹ được triển khai ở châu Á. Những chiếc máy bay săn ngầm có thể phóng cả tên lửa và ngư lôi này có thể hỗ trợ hoạt động do thám trên biển cho Hạm đội 7.
Phi đội săn ngầm trên được triển khai tới Nhật Bản ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm lên cả nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.
Ông Rick Fisher, một chuyên gia phân tích về quân đội Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tăng cường các hoạt động do thám trên không gần bờ biển Trung Quốc là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với cách hành xử ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Chiến đấu cơ Su-27 của không quân Trung Quốc
Chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nhận định: “Để đáp trả, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật đe dọa đối với máy bay do thám Mỹ tương tự như những gì họ đã làm với máy bay do thám Nhật”.
Theo ông Fisher, mục tiêu của Trung Quốc trong các hành động đe dọa máy bay Mỹ trên không là khiến các lãnh đạo chính trị Mỹ lo sợ về nguy cơ xảy ra sự cố “mùng một tháng Tư” thứ hai.
Vào ngày 1/4/2001, một chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc đã va chạm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, khiến chiếc J-8 đâm xuống biển và chiếc EP-3 bị thương nặng.
Vụ va chạm này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quốc tế sau khi chiếc EP-3 của Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc, và toàn bộ 24 thành viên phi hành đoàn bị Trung Quốc bắt giam hơn 10 ngày trước khi trao trả cho Mỹ.
Ông Fisher nói: “Hành động đe dọa này nhằm khiến các quan chức Mỹ lo sợ một sự cố lớn hơn xảy ra với Trung Quốc, từ đó giảm bớt các chuyến bay do thám Trung Quốc. Bắc Kinh đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ vướng chân ở các khu vực khác như Iraq và Ukraine để đẩy Mỹ ra khỏi châu Á, tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên vị trí thống trị khu vực”.
Theo chuyên gia này, Mỹ cần phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn và khiến Trung Quốc hiểu rõ rằng những hành động ngang ngược nguy hiểm trên có thể vấp phải sự đáp trả bằng quân sự của Mỹ và các nước đồng minh.