Chiêm ngưỡng vẻ đẹp phù điêu nữ thần Sarasvati vừa được công nhận Bảo vật Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 9) năm 2020. Theo đó, phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại thế kỷ XII) đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Phù điêu nữ thần Sarasvati vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: Trương Định
Phù điêu nữ thần Sarasvati được phát hiện vào năm 1988 trong quá trình người dân khai thác đất tại khu vực phế tích tháp Châu Thành (khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Phù điêu nữ thần Sarasvati. Ảnh: Trương Định
Phù điêu còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị xước nhỏ ở phần mũi. Phù điêu nữ thần Sarasvati có chất liệu đá sa thạch, chiều cao 80 cm, rộng 60 cm, dày 26 cm, trọng lượng khoảng 200 kg.
Phù điêu trang trí mặt chính diện, còn mặt sau lưng để trơn. Hình tượng thể hiện ở mặt chính là một vị nữ thần được khắc tạc nổi trong một hình vòm cung đầu nhọn hình lá nhĩ. Vị nữ thần có 3 đầu, bốn tay, thân mình uốn vặn trong tư thế múa, ngồi trên một tòa sen.
Ba cái đầu của nữ thần đều nghiêng về bên trái, trên mỗi đầu đều đội mũ chóp nhọn, thân mũ được tạo 3 tầng hoa văn gồm 3 lớp cánh sen nhọn. Nữ thần có 4 cánh tay: hai tay chính phía trước và hai tay phụ phía sau, hai cánh tay chính chắp lại trước ngực; bốn cánh tay của nữ thần đều có đeo trang sức...
Phù điêu còn tương đối nguyên vẹn. Ảnh: Trương Định
Phòng trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: Trương Định
Bà Nguyễn Thị Nhân – cán bộ Bảo tàng Bình Định cho biết, tại bảo tàng hiện có 5 bức phù điêu được công nhận là Bảo vật quốc gia và có khoảng 10.000 ngàn hiện vật Chăm đang được trưng bày và lưu giữ.
Theo Bảo tàng Bình Định cho hay, phế tích tháp Châu Thành (tục danh gọi là Gò Tháp Gãy), đầu thế kỷ XX phế tích này đã được Henri Parmentier đưa vào công trình “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại Trung Kỳ”. Phế tích năm tại vị trí cách thành Đồ Bàn, khoảng 1km.
Phế tích bao gồm khu gò đất lớn và vùng đất xung quanh được phân bố với diện tích khoảng 25.000m2. Trên bề mặt của khu gò và vùng đất xung quanh khu gò hiện nay còn vương vãi rất nhiều gạch và ngói Chăm, một số chỗ dưới chân gò còn phát hiện được dấu vết của những nền móng kiến trúc.
Thần BRAHMA, thế kỷ XII - XIII, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2016. Ảnh: Trương Định
Nữ thần MAHISHASURAMARDINI, thế kỷ XII, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2015. Ảnh: Trương Định
Chim thần GARUDA diệt rắn, thế kỷ XII - Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Trương Định
Dù địa điểm này chưa được khai quật nghiên cứu, nhưng Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khảo sát thống kê, đưa vào danh mục các phế tích Champa Bình Định từ năm 1987.
Năm 2015, Bảo tàng tỉnh Bình Định tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và phế tích tháp Châu Thành cũng đã được chấm điểm trên bản đồ khảo cổ học Bình Định. Qua dấu vết để lại trên bề mặt cho thấy, nơi đây đã từng tồn tại một quần thể gồm nhiều kiến trúc đền tháp Champa với quy mô lớn.
Nguồn: [Link nguồn]
Cột Kinh Phật được tạc bằng đá vôi hình bát giác, cao 4,16m đặt trên bệ đá hình hoa sen. Đây là hiện vật đầu tiên...