Chiêm ngưỡng hàng trăm món đồ cổ ở khu chợ 'có 1 không 2' tại thành phố Vinh
Những món đồ cổ vài trăm đến hàng nghìn năm tuổi được trải bạt bày bán ngay trên vỉa hè dịp cuối tuần. Ở ngôi chợ đặc biệt này, khách đến không mua cũng chẳng sao, điều quan trọng là họ được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức thú vị về những món đồ cổ yêu thích.
Hai ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần, hội những người đam mê đồ cổ trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh, thành đều đổ về tuyến đường Đinh Công Tráng, TP Vinh để giao lưu, mua bán những món đồ cổ sưu tầm được.
Chợ được lập ra nhằm để những người yêu, am hiểu và sống bằng nghề buôn đồ cổ trao đổi, mua bán và giao lưu với nhau. Hầu hết họ đã quen biết nhau từ trước và có mối quan hệ làm ăn lâu dài.
Tại đây có khoảng 10 gian hàng, mỗi gian có hàng chục món đồ, được bài trí bắt mắt.
Những món đồ cổ có niên đại từ vài trăm năm đến cả nghìn năm tuổi được bày bán ngay trên vỉa hè.
Ông Trần Thái Bình (SN 1973, phường Vinh Tân, TP Vinh), người đồng sáng lập ra chợ đồ cổ này cho biết, những chiếc chum bằng sành hay đồng có niên đại hàng trăm đến hàng nghìn năm tuổi.
“Những người chơi đồ cổ sành sỏi chỉ cần nhìn vật là ước lượng được giá trị của món hàng. Mức giá được lập cho từng món hàng tùy thuộc vào độ độc, quý, hiếm, niên đại, độ hoàn mỹ của sản phẩm, cũng như khả năng thẩm định, thương thuyết của người mua và người bán”, ông Bình cho hay.
Một chiếc đĩa có từ thời Lý, không hở lòng, hoa văn, men khác với đĩa thời Lê, được giới thiệu có niên đại khoảng 1.000 năm.
Những đồng tiền xu cổ hay tiền giấy từ thế kỷ trước,...
..., hay những chiếc đài cát sét gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người.
Anh Phạm Văn Hồng (SN 1986), một người chuyên sưu tầm đồ cổ, những kỷ vật chiến tranh chia sẻ: “Ở đây, những người hoài cổ có thể tìm thấy nhiều món đồ cũ, gợi lại một thời đầy gian khó của đất nước như phụ tùng xe đạp, đồng hồ, đèn pin, chiếc đĩa đèn dầu lạc hay những kỷ vật chiến tranh… Mức giá của món đồ tùy thuộc vào số năm tuổi, độ quý hiếm, sự kiện lịch sử gắn liền với kỷ vật đó”.
Ở ngôi chợ đặc biệt này, khách đến không mua cũng chẳng sao. Điều quan trọng là họ được gặp gỡ, trao đổi kiến thức lịch sử thú vị về những món đồ cổ yêu thích.
Nguồn: [Link nguồn]
Rất đông người đến chợ nhưng không ai mua bán thứ gì mà chỉ đứng trò chuyện, tâm sự cùng nhau.