Chiếc máy bay cuối cùng trong chiều 29/4/1975
Có một câu chuyện đã thuộc về lịch sử mà mọi người từng biết: hình ảnh chiếc trực thăng với dòng người di tản trên sân thượng một cao ốc ở Sài Gòn - đã từng được công luận trên thế giới xem là biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Vậy ai đã chụp bức ảnh ấy? Ai lái chiếc trực thăng năm ấy? Những hành khách cất từ nóc nhà tòa trên trực thăng là ai? Có phải nó cất lên tại Tòa nhà Đại sứ Mỹ? Bài viết dưới đây phần nào giải thích được nhiều điều đằng sau tấm ảnh đó.
Tác giả bức ảnh lịch sử
Sau khi tấm ảnh được công bố trên phương tiện thông tin truyền thông trong những tháng ngày đầu tiên sau chiến tranh năm 1975, lập tức ngay sau đó tuần báo People (Mỹ) đã phái nhiều phóng viên đến 6 quốc gia khác nhau để điều tra. Sau nhiều tháng xác minh, điều tra, họ đã xác định: đầu tiên tấm ảnh được xác định do Hugh Van Es, một nhiếp ảnh gia, một phóng viên tự do và sau này là phóng viên Hãng thông tấn UPI chụp. Ảnh chụp vào khoảng 5 giờ chiều ngày 29/4/1975.
Hugh Van Es mất ngày 15/5/2009 tại Hồng Kông (ông đã sống nơi đây 35 năm) đã kể cho phóng viên tuần báo People biết rằng ông ta đã đứng trên sân thượng của một khách sạn cách tòa nhà này một vài dãy phố, Và ông đã dùng máy ảnh ống kính 300 mm để chụp. Sau này nhớ lại, Van Es cho hay không phải tất cả trong số khoảng 30 người leo thang khi đó di tản được, và chiếc Bell 205 đã quá tải khi cất cánh, chở vượt khả năng cho phép khoảng chục người.
Hugh Van Es
Tòa nhà và chiếc máy bay cuối cùng chiều 29/4/1975
Hugh Van Es đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian để giải thích cho mọi người, rằng tòa nhà trong bức ảnh không phải như đã bị lầm tưởng là tòa nhà của Sứ quán Mỹ. Đó là từ nóc cao ốc Pittman số 22- Lý Tự Trọng (TPHCM) hiện nay.
Chiếc trực thăng cất cánh, theo chú thích của nhiếp ảnh gia Van Es trên diễn đàn báo chí lúc ấy phỏng chừng đem theo 12 (có khi là 14) người trong khi trọng tải tối đa theo “đề nghị của trực thăng” là... 8 người! Người đứng sát càng trực thăng và rìa tòa nhà (theo ảnh) là O.B. Harnage, một nhân viên của CIA Mỹ. Những hành động của Harnage trong buổi chiều hôm ấy đã được Tuần báo People này miêu tả trong số ra ngày 30/4/1985 và thêm nhiều số tiếp theo.
Bức ảnh lịch sử
Số hiệu của chiếc trực thăng Bell 205 ấy không thấy rõ trên ảnh chụp vì số hiệu được sơn hai bên thân và đuôi cánh, trong khi bức ảnh lại cho thấy chiếc trực thăng được chụp từ phía mũi. Vị trí này Hugh Van Es chụp đến... 6 tấm! Tuy nhiên biên tập viên Debbie Bondulic của People tìm ra được... 42 phim âm bản Hugh Van Es chụp còn lưu giữ trong kho của UPI Bettman Corbis – New York. Trong số này, có tất cả “tư thế bay” của chiếc Bell 205, ngay cả khi bay xa khỏi nóc nhà tòa nhà. Bằng kỹ thuật hiện đại, người ta xác định đây là chiếc Bell205 mang số hiệu: N4 7004.
Ông Allen Cates, Chủ tịch Hãng Air America – Hãng hàng không của CIA, không hề muốn các phóng viên xác định viên phi công đã lái chiếc trực thăng ngày hôm ấy. Tuy nhiên bí mật cuối cùng cũng được mở: Hai viên Phi công trên chiếc trực thăng ấy được xác định: Một là Bob Caron nay sống ở bang Florida, một là Jack Hunter. Riêng Bob Caron còn một “nhân chứng sống” đó là lên tiếng mình còn giữ kỹ cuốn sổ lịch trình bay trong ngày lịch sử 29/4/1975.
Ai xô đẩy chen lấn trên chiếc máy bay hôm ấy?
Đa số những người Việt ngồi trên chiếc trực thăng ấy đều là những viên chức cao cấp của chế độ Ngụy– Sài Gòn. Đặc biệt trong chuyến “vượt qua cõi chết” đó có tướng Trần Văn Đôn, là Tổng trưởng Quốc phòng cuối cùng của VNCH. Ngoài ra còn có bác sĩ Trần Kim Tuyến, một trùm mật vụ Sài Gòn (mất tại Anh tháng 12-1995); bác sĩ quân y Huỳnh Minh Tòng, nay là bác sĩ y khoa, đang hành nghề tại Georgia, Mỹ.