Chi tiết vụ cựu trưởng Công an quận Tây Hồ nhận hối lộ để tha người trái luật
Cựu trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) bị cáo buộc nhận 110 triệu đồng để chỉ đạo cấp dưới tha người đang bị tạm giữ trái pháp luật.
VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù; nhận hối lộ xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Nhận tiền, chỉ đạo cấp dưới tha người trái phép
Cáo trạng của VKS truy tố bốn bị can, trong đó, ông Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ.
Cựu trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê. Ảnh: PB
Thời điểm khởi tố, ông Lê bị bắt với tội danh tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, đến nay cơ quan tố tụng quyết định truy tố đối với bị can này tội nhận hối lộ.
Ba thuộc cấp của ông Lê là Nguyễn Đức Châu (cựu đội trưởng cảnh sát hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu đội phó cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cùng bị truy tố về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Cáo trạng xác định từ tháng 9-2016, Công an phường Yên Phụ thụ lý vụ việc anh NCT tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Quá trình điều tra, nghi phạm trong vụ việc là Nguyễn Hữu Tài đã đến cơ quan công an đầu thú và được đưa vào nhà tạm giữ.
Tuy nhiên, người nhà của Tài đã nhờ người quen tìm đến trưởng Công an quận Tây Hồ khi đó là ông Lê nhờ giúp đỡ. Ông Lê yêu cầu gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Thực hiện theo hướng dẫn trên, người quen của gia đình Tài đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho ông Lê, đặt lên bàn làm việc và nhờ giúp hòa giải.
Sau khi nhận tiền, với cương vị trưởng Công an quận Tây Hồ, ông Lê chỉ đạo thuộc cấp tha cho Tài về nhà mà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Cơ quan tố tụng đánh giá ông Lê không khai nhận hành vi phạm tội, phủ nhận toàn bộ sự việc, đổ lỗi cho cấp dưới và người liên quan, chủ động tạo ra các chứng cứ không đúng sự thật khách quan nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Dù vậy, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập, VKS khẳng định có đủ căn cứ kết luận bị can này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác, chủ động gợi ý nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện tha trái pháp luật đối với Nguyễn Hữu Tài.
Mặc dù Phùng Anh Lê phủ nhận, đổ lỗi cho cấp dưới nhưng VKS có đủ chứng cứ, tài liệu để kết luận bị can này lợi dụng chức vụ, gợi ý nhận hối lộ 110 triệu đồng.
“Quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”
Đối với ba bị can còn lại, VKS xác định những người này biết chỉ đạo của ông Phùng Anh Lê là trái pháp luật nhưng vẫn chấp hành, thực hiện tha trái pháp luật cho Nguyễn Hữu Tài.
Theo đó, sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho cấp dưới để yêu cầu mang tài liệu vụ việc xuống xem xét. Cựu trưởng công an quận cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu nên chỉ đạo “phải đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ”.
Trước yêu cầu này, bị can Vũ Công Ngọc cho rằng Tài đang thi hành quyết định tạm giữ, nếu muốn cho về thì phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Dù vậy, ông Lê vẫn yêu cầu thuộc cấp tiếp tục thực hiện lệnh của mình.
Khoảng 0 giờ 30 ngày 23-9-2016, Ngọc cùng một số cán bộ đội hình sự đến đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Khi đó, bị can Lê Đình Trung đang phụ trách ca trực tại nhà tạm giữ đã phản đối việc này vì cho rằng không có quyết định hủy bỏ tạm giữ.
Ngay lập tức, ông Trung nhận được chỉ đạo của cấp trên phụ trách mình rằng “sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”. Ngay trong đêm đó, Tài được thả.
“Mặc dù cả ba bị can đều nhận thức được hành vi của mình thực hiện theo chỉ đạo của Phùng Anh Lê là trái pháp luật nhưng trước và sau khi thực hiện, các bị can không báo cáo lên cấp có thẩm quyền và không thông báo cho VKS cùng cấp biết, nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra” - cáo trạng nêu.
Tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là tử hình Điều 354 BLHS năm 2015 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: - Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. - Nhận lợi ích phi vật chất. Trường hợp phạm tội có tố chức hoặc của hối lộ trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng… thì tùy trường hợp mà bị phạt tù từ bảy năm đến 20 năm. Đặc biệt, người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. |
Nguồn: [Link nguồn]
Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu đại tá Phùng Anh Lê về tội “Nhận hối lộ”. Trước đó, ông Lê bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “Tha trái pháp...