Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về việc thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị liên quan từ ngày 1-1-2021 đến 1-6-2023 đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.
Kết luận thanh tra nêu rõ việc thực hiện các dự án nguồn điện và lưới điện không bảo đảm tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trách nhiệm thuộc EVN, các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO3) và 5 tổng công ty điện lực trực thuộc EVN.
Một dự án thủy điện ở khu vực miền Bắc. Ảnh: Văn Dũng
EVN không hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu về đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện trong giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt; không hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm đối với các năm 2020, 2021 và 2022 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phê duyệt. Trách nhiệm thuộc về HĐTV và Ban Tổng Giám đốc EVN.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đôn đốc EVN khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện bảo đảm không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định 21/2023 để sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên, EVN, Công ty Mua bán điện (EPTC) và các đơn vị liên quan chưa thực hiện kịp thời theo chỉ đạo; chậm trễ trong việc phối hợp với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan; chậm chỉ đạo thỏa thuận giá phát điện tạm thời với dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Đoàn thanh tra của Bộ Công Thương chỉ rõ việc lập và phê duyệt các phương án, kế hoạch vận hành tháng, tuần của các nhà máy thủy điện không bám sát kế hoạch vận hành hệ thống điện năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt; chưa sát thực tế thủy văn dẫn đến bị động trong các kịch bản, phương án ứng phó, không bảo đảm mực nước theo kế hoạch, làm ảnh hưởng đến cung cấp điện trong giai đoạn tiếp theo.
Phương án hạ nước cuối năm 2022 gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023. Ảnh: Văn Dũng
Thực hiện phương án hạ nước cuối năm 2022, giảm huy động các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) sử dụng than nhập trong các tháng cuối năm 2022 tại Nghị quyết 402 ngày 1-8-2022 của HĐTV EVN, EVN và Trung tâm điều độ hệ thông điện quốc gia (A0) đã tăng cường huy động khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn, trong đó có 8 hồ chứa thủy điện lớn khu vực phía Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà, Trung Sơn và Bản Vẽ. Qua đó làm giảm mực nước các hồ so với trong kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023.
Khô hạn khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Dũng
Bộ Công Thương kết luận việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022 là không tuân thủ kế hoạch đã được bộ phê duyệt. Đồng thời, việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 theo chỉ đạo của HĐTV EVN tại Thông báo 722 ngày 30-12-2022 làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm, gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban Tổng Giám đốc EVN, A0 và các cá nhân, tập thể liên quan.
Theo kết quả thanh tra, Nghị quyết 129 của HĐTV EVN và các văn bản chỉ đạo của tập đoàn về chuẩn bị than cho phát điện là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu than cục bộ cho sản xuất điện các năm 2022 - 2023. Như vậy, EVN đã vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, gây ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị than cho sản xuất điện. Trách nhiệm thuộc về HĐTV và Ban Tổng Giám đốc EVN, các cá nhân, tập thể liên quan.
Ngoài ra, để xảy ra tình trạng thiếu than cục bộ ở một số ngày trong các tháng đầu năm 2022 (EVN chậm thống nhất giá than) và năm 2023 dẫn đến dừng hoạt động của tổ máy là trách nhiệm của EVN, các GENCO 1, 2, 3 và các chủ đầu tư NMNĐ than liên quan do đã vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đoàn thanh tra cũng đã phát hiện tình trạng tồn kho than thấp hơn so với định mức, trong đó có nhiều NMNĐ tình trạng tồn kho thấp kéo dài gây ảnh hưởng đến việc sẵn sàng tổ máy khi hệ thống điện huy động.
Đáng chú ý, từ năm 2017, HĐTV EVN đã ban hành Nghị quyết 222 và EVN đã có công văn 3726 triển khai nghiên cứu đốt than phan trộn cho các NMNĐ than, báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả thử nghiệm. Năm 2017, EVN tiếp tục chỉ đạo GENCO2, NMNĐ Thái Bình thử nghiệm đốt than nhập khẩu trực tiếp cho các nhà máy. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác suất tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho thấy việc thực hiện chỉ đạo của EVN còn chậm, ảnh hưởng đến sự chủ động, linh hoạt trong việc chuẩn bị nguồn than cho nhiệt điện.
Không riêng việc chuẩn bị nguyên liệu than, tồn kho dầu cho một số nhà máy nhiệt điện cũng không được bảo đảm. Kết quả thống kê, kiểm tra cho thấy lượng dầu tồn kho năm 2021 và các tháng đầu năm 2023 của các nhà máy cơ bản đáp ứng định mức tồn kho. Tuy nhiên, NMNĐ Thủ Đức và NMNĐ Bà Rịa có mức tồn kho thấp; chưa chấp hành nghiêm túc quy định của EVN, các GENCO và đơn vị phát điện về định mức tồn kho dầu.
Theo cơ quan thanh tra, EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc lập các kế hoạch, phương án bảo đảm cung cấp điện cho mùa khô 2023; không báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch cung cấp điện mùa khô; không thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Quyết định 2976 và các văn bản đôn đốc thường xuyên của Cục Điều tiết điện lực trong các tháng đầu năm 2023. Trách nhiệm thuộc về Ban Tổng Giám đốc và các ban tham mưu của EVN.
Hoạt động tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà thời điểm phải dừng hoạt động 2 tổ máy do thiếu nước vào tháng 6-2023. Ảnh: Minh Phong
Bên cạnh đó, EVN, A0 chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện trong tháng, tuần, ngày, chế độ báo cáo tại Thông tư 25/2016 của Bộ Công Thương; việc trình kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện tại một số thời điểm còn chậm so với quy định.
Đặc biệt, A0 chậm trễ trong ra lệnh điều độ, huy động nguồn điện thuộc quyền điều khiển; chậm trễ trong việc kiến nghị EVN và cơ quan có thẩm quyền để triển khai các giải pháp khẩn cấp nhằm bảo đảm cung cấp điện khi diễn biến phụ tải hệ thống và thủy văn thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng cung ứng điện miền Bắc một số ngày cuối tháng 5 và tháng 6-2023 là vi phạm quy định tại Luật Điện lực.
Trong một số thời điểm trong tháng 5 và 6-2023, tình trạng mất điện xảy ra trên diện rộng, nhất là các tỉnh khu vực miền Bắc là hệ quả của việc thiếu hụt nguồn cung ứng điện khi nhu cầu phụ tải tăng cao, phải thực hiện tiết giảm, sa thải phụ tải để bảo đảm an ninh hệ thống điện. Việc không thông báo ngừng, giảm cung cấp điện trước, kịp thời cho một số khách hàng sử dụng điện hoặc thông báo chưa đầy đủ thông tin gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt. Ngoài ra, quá trình tiết giảm, sa thải phụ tải còn chậm trong một số khung giờ.
Theo Báo cáo 2120/2023 của A0 báo cáo Đoàn thanh tra, A0 đã đánh giá sai số phụ tải năm 2023 đối với hệ thống điện quốc gia, sai số dự báo phụ tải ngoài phạm vi cho phép (3%) ở các tháng 1, 2 và 4.
Cụ thể, tháng 1 có sai số lớn tập trung ở miền Nam do đánh giá hiệu ứng tháng Tết theo các mẫu năm quá khứ chưa chính xác. Phụ tải ngày Tết thường chỉ còn tải sinh hoạt nên tăng trưởng qua các năm không cao.
Tháng 2, A0 dự báo tăng trưởng phụ tải không cao do thực tế tháng 1-2023 thấp. Tuy nhiên, bởi tình hình kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sau kỳ nghỉ Tết âm lịch và các ngành tập trung sản xuất - kinh doanh nên dẫn đến phụ tải tăng cao hơn dự kiến.
Tháng 4 do nắng nóng sớm và kéo dài ở toàn bộ khu vực miền Trung, miền Nam nên phụ tải hệ thống điện quốc gia cao hơn so với dự báo. Dự báo miền Nam có sai sốt lớn khoảng 8% và miền Trung 5,5%.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương tại một số thời điểm chưa bám sát tình hình thực tế. Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than.
Xử lý nghiêm trách nhiệm
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với HĐTV EVN và các cá nhân liên quan những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm nêu trên; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Ban Tổng Giám đốc, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm.
Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng công ty Điện lực - TKV, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cá nhân, tập thể có liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm
Yêu cầu Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Phát điện 3, căn cứ Kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cá nhân, tập thể có liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại nêu tại kết luận thanh tra.
Yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than căn cứ Kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).