Chi tiền "luật ngầm" ở cửa khẩu: “Nhà luật” móc túi cả “tài bo” và chủ hàng
Khoản tiền "tài bo" các "nhà luật" thu của các xe xuất khẩu nông sản lên tới vài chục triệu đồng, trong khi chỉ chi cho "tài bo" vài triệu.
Theo điều tra, trong số những khoản “nhà luật” yêu cầu lái xe, đơn vị vận tải chở hàng xuất khẩu qua biên giới phải thanh toán, có một khoản gọi là tiền “tài bo”.
Khoản này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nếu các tài xế, nhà xe không chi tiền sẽ bị giữ xe, giữ giấy tờ. Vậy, “tài bo” là ai, họ làm công việc gì, được ai tuyển dụng và quản lý thế nào?
Hoạt động của các “tài bo” phụ thuộc hoàn toàn vào các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) tại cửa khẩu (Trong ảnh: “Tài bo” nhận xe vận chuyển hàng sang cửa khẩu tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái). Ảnh: Hồng Nguyên
“Nhà luật” quyết định tiền “tài bo” giá trên trời
“Tài bo” là cách gọi lực lượng lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu. Những người này được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ bãi thông quan đến cột mốc giao cho lái xe Trung Quốc.
Họ có thể là lao động tự do, là người địa phương được các ban quản lý cửa khẩu tuyển dụng, cấp thẻ lái xe.
Tuy nhiên, hoạt động của các “tài bo” phụ thuộc hoàn toàn vào các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) tại cửa khẩu.
Họ có được thuê chở hàng hay không, trả công bao nhiêu là tuỳ thuộc vào các “nhà luật”. Bởi chỉ “nhà luật” mới biết được các xe nào đi/về cửa khẩu, khi nào chuẩn bị được thông quan.
Đơn cử, tài xế Đ.Q.A, chở mít từ Tiền Giang đến xuất khẩu tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, Móng Cái, Quảng Ninh hiện đã bị “nhà luật” Thảo P&T giữ xe tại Trung Quốc gần 2 tháng để đòi 67,3 triệu “tiền luật”.
Trong đó có số tiền 27 triệu đồng được ghi rõ là công thuê “tài bo” gồm: 1 chuyến 4 triệu đồng; lưu 10 ca (10 ngày –PV) 20 triệu đồng; trả vỏ (trả xe không về -PV) 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, “tài bo” tên D., điều khiển phương tiện trên sang Trung Quốc khẳng định: “Hôm đó tôi nhận điều khiển chiếc xe này từ Việt Nam sang thẳng Trung Quốc để trả hàng, xe không phải lưu bãi, lưu ca nên tôi chỉ được tính là 1 chuyến với tiền công là 2 triệu đồng.
Đến nay, dù đã hoàn thành nhiệm vụ gần 2 tháng tôi vẫn chưa được nhận tiền công. Tôi chỉ thỏa thuận với “nhà luật”, tùy thời điểm, lúc cửa khẩu ách tắc kéo dài thì chúng tôi được trả từ 1-2 triệu đồng/chuyến/ngày, sau đó họ thu bao nhiêu tiền của tài xế, chủ xe thì tôi không nắm được”.
Nhiều tài xế, chủ xe xuất khẩu nông sản tại Móng Cái cũng cho biết, tiền công “tài bo” do các “nhà luật” đưa ra đều từ 1-2 triệu đồng/xe/ngày.
Xe càng ở lâu tại cửa khẩu thì càng bị thu nhiều tiền “tài bo”. Khoản tiền này do các “nhà luật” tùy ý đưa ra, không có kiểm chứng vì đã xuất hàng, xe không mắc kẹt nhưng vẫn bị thu tiền lưu ca “tài bo” hàng triệu đồng/ngày là vô lý.
“Tài bo” sống nhờ “nhà luật”
“Tài bo” chờ xuất khẩu hàng hóa sang biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: “Tài bo” tại các cửa khẩu là lao động tự do, Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái chỉ lập danh sách để quản lý với quy định phải là người địa phương, thường xuyên xét nghiệm Covid-19, được điểm danh 2 lần hàng ngày. Hiện, tại Móng Cái đang có từ 320 - 500 lái xe thường xuyên làm việc.
“Hàng ngày họ vẫn được về nhà với gia đình và đến cửa khẩu làm việc, giá mỗi chuyến hàng thì do các bên tự thỏa thuận, Nhà nước không thể quản lý vì đây là giao dịch dân sự. Nhiều thời điểm giá thuê lái xe tại Trung Quốc lên đến 15-20 triệu đồng, thậm chí 40- 50 triệu đồng/chuyến/ngày vì họ phải chịu chi phí ăn, nghỉ, xét nghiệm, cách ly nghiêm ngặt, đắt đỏ nên giá công tăng cao”, ông Huy nói.
Tương tự, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cũng duy trì đội ngũ “tài bo” do Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tuyển dụng, thành lập từ tháng 4/2020.
Hiện, đội ngũ này đang được giao cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng bến bãi tại cửa khẩu quản lý. Năm 2020, giá dịch vụ thuê “tài bo” vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới Lạng Sơn lên đến 10-15 triệu đồng/chuyến.
Đây là mức giá quá cao, gây bức xúc nên Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và “tài bo” hiệp thương thống nhất mức giá chi trả cho lái xe là 5 triệu đồng/chuyến hàng trong thời gian 2 ngày.
Nếu xe ở lại đến ngày thứ 3, chưa giao xong hàng thì chi trả thêm 2 triệu đồng/ngày; từ ngày thứ 4 trở đi nếu chưa giao được hàng thì chi trả thêm 1,5 triệu đồng/ngày.
Hiện nay, mức giá dịch vụ này đã được Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn thẩm định, đưa ra mức trọn gói là không quá 2,5 triệu đồng/chuyến đối với “tài bo” Việt Nam và 3,5 triệu đồng/chuyến đối với “tài bo” Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều “tài bo” cho biết họ chỉ được các “nhà luật” trả từ 1,8 đến 2 triệu đồng/chuyến, còn mức thu với đơn vị vận tải do “nhà luật” tự đưa ra, được gói gọn trong nội dung giao dịch là “tiền luật” khi xuất hàng.
Quản lý nhưng… không thể chỉ đạo
“Tài bo” nhận xe vận chuyển hàng sang cửa khẩu tại Cửa khẩu Hữu Nghị
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương thông tin: Ban đầu, đội ngũ “tài bo” do Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn tuyển dụng, thành lập với hơn 300 người. Sau đó, đội ngũ này đã được bàn giao cho công ty quản lý.
“Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được bàn giao danh sách các lái xe chuyển sang và bảo đảm việc ăn, nghỉ phòng chống dịch cho họ mà chẳng biết họ là ai, ở đâu vì hồ sơ liên quan đã bị cơ quan công an tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án cán bộ Ban Quản lý làm giả giấy tờ, trục lợi”, ông Cương nói.
Vụ việc mà ông Cương nhắc tới là vào tháng 7/2021, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn đối với Nguyễn Tiến Kiên (SN 1980) và Lý Văn Nguyên (SN 1984) là cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý cửa khẩu thuộc Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Hai người này bị điều tra vì có hành vi lợi dụng quy định của tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập đội “tài bo” để làm giả các giấy tờ, hoàn chỉnh hồ sơ cho 81 lái xe tự do lấy danh nghĩa là đại diện cho các doanh nghiệp để được tuyển vào đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu Tân Thanh. Kiên và Nguyên hưởng lợi 400 triệu đồng từ việc làm này.
Đến nay, Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương đang quản lý 94 người, từ 30 - 52 tuổi, là lao động tự do, trú tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Định...
Trên danh nghĩa họ là người của các doanh nghiệp vận tải, xuất, nhập khẩu hàng hóa nhưng đều không được bất kỳ doanh nghiệp nào ký hợp đồng lao động, trả lương, đóng bảo hiểm theo quy định.
Tuy có mức tiền công hàng chục triệu/tháng nhưng họ cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Hàng ngày, họ tự liên hệ với các chủ hàng, nhà xe và “nhà luật” để nhận vận chuyển và tiền thù lao; tự túc ăn, nghỉ, Công ty Xuân Cương chỉ bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không thể điều hành, chỉ đạo đội ngũ lái xe này.
“Chúng tôi đã nhiều lần trình phương án, đề nghị giải tán đội ngũ lái xe này vì quá phức tạp, không thể quản lý. Theo đó, công ty sẽ tổ chức tuyển dụng, ký kết hợp đồng, xếp bảng lương và quản lý toàn diện đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu. Khi đó, toàn bộ mức thu liên quan tại cửa khẩu sẽ được công khai, minh bạch. Tuy vậy, đến nay, phương án này vẫn chưa được chấp thuận”, ông Cương nói.
Còn theo Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái, hiện đơn vị đang quản lý, cấp thẻ lái xe, đưa ra mức giá trần là 600 nghìn đồng/chuyến. Đến nay, đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh nào về việc “tài bo” và “nhà luật” chèn ép, bắt đưa tiền công với giá cao.
Thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện “tài bo” vi phạm thì sẽ thu thẻ, không cho đến cửa khẩu làm việc.
Trong khi đó, theo điều tra của Báo Giao thông, để có thể xuất hàng qua biên giới, nhiều chủ xe, chủ hàng tại đây phải thông qua các “nhà luật” với mức chi phí vài chục triệu đồng, trong đó nặng nhất là khoản “tài bo”.
Bảo đảm an toàn cho các nhân chứng, bị hại Sau bài điều tra “Tài xế vạ vật cả tháng ở Móng Cái vì không đủ tiền “đóng luật” của Báo Giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã vào cuộc. Báo Giao thông cũng đã cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh. Theo đề nghị của Cơ quan CSĐT, PV Báo Giáo thông cũng chủ động liên hệ, tuyên truyền, vận động, làm công tác tư tưởng giúp các tài xế, chủ hàng yên tâm cung cấp thông tin, bằng chứng liên quan đến việc ép buộc đưa tiền của các “nhà luật” tại cửa khẩu. Được biết, với những chứng cứ xác thực Báo Giao thông cung cấp, cùng những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT đang tích cực làm việc với mục tiêu sớm xử lý các đối tượng liên quan trước pháp luật. Hiện các nhân chứng, bị hại liên quan đều đã được Công an tỉnh Quảng Ninh bảo đảm phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản trong quá trình phối hợp điều tra. Một cán bộ trực tiếp điều tra vụ việc chia sẻ: “Quá trình điều tra đang tiến triển tốt, đã đạt được kết quả bước đầu. Hiện, Công an tỉnh đang liên hệ với các lái xe để thu thập thêm thông tin cần thiết”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trước thông tin nhiều tài xế, đơn vị vận tải bị “nhà luật” chèn ép, đòi tiền luật ngất ngưởng, Chủ tịch UBND...