Chi phí vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao Bắc Nam khoảng 1 tỷ USD/năm
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, hoàn thành vào năm 2036, với chi phí vận hành và bảo trì hằng năm đều ở mức khoảng 1 tỷ USD.
Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thẩm tra chủ trương đầu tư dự án gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 20 thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Quốc hội
Cơ bản thống nhất với đề xuất, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác cũng như với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Tuyến đường sắt tốc độ cao ở Lào. Ảnh: Hoàng Hà
Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau thời gian dự kiến hoàn thành của dự án (năm 2035), từ năm 2036 đến năm 2066, chi phí vận hành và bảo trì tuyến đường sắt này hằng năm đều ở mức trên 25.000 tỷ đồng và chưa rõ phương án chi trả.
Vì vậy, để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho dự án.
Theo Ủy ban Kinh tế, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.
Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.
Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành để thực hiện dự án. Theo Ủy ban Kinh tế, về cơ bản các cơ chế, chính sách đề xuất là cần thiết, trong đó một số cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thời gian qua.
Trong đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án có tổng mức đầu tư rất lớn nên việc thay đổi dưới 10% tổng mức đầu tư (khoảng 171.000 tỷ đồng) là số tiền rất lớn, tác động đến cân đối ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công trong trung hạn và hằng năm. Do đó, cần được Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm cân đối tổng thể chung.
Để bảo đảm tính cấp bách của dự án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của Việt Nam
Nguồn: [Link nguồn]