"Chỉ nên tuyển công chức đã đi nghĩa vụ quân sự"

“Chúng ta nên có quy định ưu tiên khi xét tuyển, hoặc dù có học cao đến mấy anh vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự mới tuyển vào công chức, viên chức, lúc đó người ta sẽ tự khắc đi".

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nêu giải pháp khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet.vn về Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi.

Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian qua. Vốn hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực này, đồng thời đang là một ĐBQH, theo ông, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự có phải là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng và lúc nào cũng cần thiết. Hiến pháp cũng quy định mọi công dân Việt Nam phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Trong điều kiện xây dựng lực lượng quân đội chính quy hiện đại thì việc sửa đổi lại càng cần thiết.

Ngoài ra, đất nước ta nằm ở vị trí nhạy cảm vì có đường biên giới, đường biển quá nhiều nên rất cần phải nêu cao tinh thần bảo vệ tổ quốc. 

Ông cha ta thường nói, khi đất nước có chiến tranh, mọi người phải đánh giặc. Muốn như vậy chúng ta cần phải chuẩn bị cho điều đó. Sửa Luật Nghĩa vụ cho phù hợp hơn với bối cảnh tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

"Chỉ nên tuyển công chức đã đi nghĩa vụ quân sự" - 1

 Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (Ảnh ND).

Theo ông, thời gian làm nghĩa vụ cần phải sửa đổi thế nào cho phù hợp?

Có thể chia ra 3 cấp độ thời gian: 15 – 18 – 24 tháng và có thể chia ra thành quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, lực lượng nghĩa vụ quân sự… Với nghĩa vụ quân sự thì mọi công dân Việt Nam phải thực hiện, điều này đã được quy định trong Hiến pháp.

Nước ta hằng năm có khoảng 7 triệu thanh niên trong độ tuổi (trong đó, khoảng 50% là nữ - không phải đi nghĩa vụ), như vậy còn hơn 3 triệu nam giới, nhưng tỷ lệ nhập ngũ hằng năm rất ít.

Không chỉ thiếu hụt về số lượng, thậm chí trình độ đội ngũ đi nghĩa vụ quân sự cũng được đánh giá thấp, chủ yếu là con em nông dân, trình độ văn hóa không cao. Ông có thể so sánh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của nước ta khác nhau thế nào so với các nước trên thế giới?

Đây cũng là thực tế đặt ra. Đúng là từ trước đến nay, lực lượng làm nghĩa vụ quân sự chủ yếu là con em nông dân, rất hiếm gặp con em cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp Trung ương càng ít, con em người có tiền càng hiếm thấy.

Hiện chúng ta cho phép công dân được hoãn nghĩa vụ quân sự, nhưng phải được hoàn thành sau đó. Nhưng thực phần lớn hiện nay, sau khi hoãn rồi họ lại quên luôn. Chúng ta đã có quy định cụ thể, muốn khắc phục điều này thì phải làm nghiêm thôi.

Dù cũng cho hoãn như ta, nhưng ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, dù anh làm nghề gì, công nhân hay kỹ sư, khi học đại học ra muốn làm chuyên môn, người ta phải yêu cầu hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự trước đã. Họ không có sự phân biệt giàu nghèo, nông dân hay quan chức, cứ đến tuổi thì buộc anh phải đi nghĩa vụ.

Đối với quan chức nhiều nước, trước khi người ta cất nhắc đề bạt ai, dù người đó có giỏi đến mấy cũng phải đi làm nghĩa vụ quân sự đã. Còn một số nước, chẳng hạn như ở Mỹ trước đây muốn làm tổng thống, hay muốn được cất nhắc làm quan chức thì người đó bắt buộc phải qua nghĩa vụ quân sự.

Đã có một tổng thống Mỹ khi chưa có nghĩa vụ quân sự bị người ta chất vấn rất gay gắt, rằng anh làm thế nào để bảo vệ tổ quốc khi không có nghĩa vụ quân sự? Hay như ông Bill Clinton cũng đã từng qua nghĩa vụ quân sự và ông ấy chính là người phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

"Chỉ nên tuyển công chức đã đi nghĩa vụ quân sự" - 2

Hình ảnh thanh niên Thủ đô trước giờ lên đường đi nghĩa vụ quân sự (Ảnh ND).

Môi trường quân đội được xem là môi trường rèn người rất tốt, nhưng có vẻ như con em các quan chức, người nhiều tiền không mấy khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy theo ông làm thế nào để mọi công dân Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ như quy định?

Lẽ ra khi tuyển vào làm việc, đặc biệt đối với đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thì phải hỏi anh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa? Nếu chưa thì xin mời anh về làm nghĩa vụ xong đi đã. Phải như thế mới chặt chẽ, chứ bố mẹ chỉ cần nói khéo vài câu, hay người có tiền thuê nông dân đi thay là không được.

Do vậy chúng ta nên có quy định cụ thể, chẳng hạn như ưu tiên tuyển vào bộ máy công chức, viên chức với những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hoặc đưa ra chế tài, chẳng hạn dù anh có học cao đến mấy, trình độ đến đâu đi chăng nữa thì vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi mới tuyển anh vào.

Nếu quy định như vậy, chắc chắn người ta sẽ chủ động xin đi nghĩa vụ chứ không còn phải bắt ép nữa.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN