Chi hàng chục ngàn tỉ đồng chống ngập, TP.HCM vẫn cứ ngập: Sở Xây dựng nói gì?
Nhiều phản ánh liên quan tới công tác chống ngập trên địa bàn TP.HCM đã được Sở Xây dựng trả lời.
Hỉnh ảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vào đầu mùa mưa 2020.
Dù liên tục được rót vốn lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng để chống ngập nhưng cho tới lúc này, nhiều điểm ở TP.HCM cứ mưa xuống là ngập. Điển hình như các đường quanh chợ Thủ Đức hay đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), sau cơn mưa dòng nước thường chảy cuốn như thác. Nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Văn Quá (quận 12), Hiệp Bình (quận Thủ Đức)… cũng lênh láng nước.
Trả lời về nội dung này, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, khu vực quận Thủ Đức thuộc vùng Đông Bắc TP.HCM, tồn tại đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thoát nước như: Địa hình khu vực Chợ Thủ Đức trũng thấp, tuyến cống, mương nhỏ được đầu tư từ lâu, thường xuyên bị ngậm nước làm giảm khả năng thoát nước,…
Bên cạnh đó, quận Thủ Đức đang đô thị hóa rất nhanh, những khu vực đất tự nhiên nay đã được bê tông hóa làm mất khả năng thấm, điều hòa nước, trong khi hệ thống hạ tầng khu vực không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Riêng tại khu vực chợ Thủ Đức có địa hình chuyển tiếp nhanh, độ dốc lớn, hệ thống cống đầu tư từ lâu nên khi mưa một phần lượng nước sẽ được thu vào tuyến mương dọc lề và một phần chảy trên mặt rất mạnh, tạo thành dòng chảy xiết, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia lưu thông.
Người dân TP.HCM ám ảnh với cảnh ngập nước mỗi khi mưa lớn kéo dài. Trong ảnh là đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) vào đầu mùa mưa 2020.
Để giải quyết tình hình ngập tại đây, UBND quận Thủ Đức đang triển khai thực hiện các dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang, xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông. Sau khi các dự án này hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết được bài toán thoát nước cũng như tình trạng ngập tại khu vực này.
“Trong thời gian chờ thực hiện các dự án trên, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật tổ chức nạo vét thường xuyên hệ thống thoát nước hiện hữu và một số giải pháp cấp bách như: cải tạo các miệng thu tại các hầm ga, lắp đặt tuyến mương băng đường để cắt, giảm tốc độ dòng chảy… Qua theo dõi trong những cơn mưa vừa qua, tình hình ngập nước đã có cải thiện”, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng có phản hồi về việc nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập với tổng kinh phí 472,9 tỉ đồng, khiến người dân khu vực này lo lắng: Khi làm xong đường sẽ hết ngập nhưng nhà họ có thể ngập do thấp hơn đường.
Sở Xây dựng cho hay, đối với những khu vực dân cư dọc hai bên tuyến đường do có cao trình trũng thấp, hệ thống thoát nước nội bộ khu dân cư có kích thước nhỏ không đáp ứng nhu cầu thoát nước. Do đó, sau khi dự án cải tạo, nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành sẽ phải tiếp tục đầu tư hạ tầng tại khu vực nhằm đảm bảo đồng bộ với dự án; trong thời gian được đầu tư đồng bộ, cần triển khai các giải pháp tạm để phục vụ thoát nước cho khu vực dân cư dọc tuyến như đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống mới, sử dụng bơm cưỡng bức, xây dựng gờ chống tràn…
“Tình trạng ngập trên địa bàn TP.HCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, địa hình của TP.HCM tương đối thấp, hệ thống cống thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm, biến đổi khí hậu, dân số tăng nhanh và công tác đầu tư.
Vì vậy, Sở Xây dựng nhận thấy cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các sở - ban - ngành thành phố và đặc biệt là sự chung tay góp sức của người dân như không xả rác vào hệ thống thoát nước, không xây dựng lấn chiếm cống, kênh rạch, nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước, hỗ trợ bàn giao mặt bằng thi công các dự án xây dựng hệ thống cống, nạo vét, cải tạo rạch”, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm.
Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào tháng 6/2020, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, 5 năm qua, TP.HCM đã chi hơn 25.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Số tiền này bao gồm cả vốn đầu tư công và nguồn vốn xã hội hóa thông qua huy động vốn theo hình thức PPP từ các nhà đầu tư. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cho rằng xây nhà cao tầng sẽ gây ngập, đại biểu Trần Quang Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng...