“Chỉ có 7% người Việt Nam sáng tạo”

“Việt Nam chưa có sản phẩm khoa học nào được quốc tế biết đến, chỉ có 7% người Việt được đánh giá có phẩm chất sáng tạo”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho biết như trên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội ngày 31/10.

Theo đại biểu, Việt Nam chưa có sản phẩm khoa học nào đạt thương hiệu được quốc tế biết đến. Mỗi năm chỉ có 1 hoặc 2 sáng chế khoa học được đăng ký tại các quốc gia trên thế giới, chỉ 7% người Việt được đánh giá sáng tạo.

Vai trò quan trọng của khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy, một số nước phát triển đều đi lên từ khoa học công nghệ. Đầu tư cho khoa học công nghệ 1 đồng, thu lợi 5 đến 6 đồng.

“Chỉ có 7% người Việt Nam sáng tạo” - 1

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, chỉ 7% người Việt được đánh giá sáng tạo

Đại biểu cho rằng, đề tài sáng kiến khoa học được ứng dụng trong thực tiễn. Các sản phẩm sau khi ra đời được tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tránh hiện tượng đề tài khoa học chỉ cất trong tủ, gây lãng phí xã hội.

Theo đại biểu, Nhà nước luôn ưu tiên ngân sách và cơ chế huy động đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ. Chính phủ dành chi ngân sách 2% cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu như chưa có.

Người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm cho khoa học công nghệ mặc dù luật doanh nghiệp quy định trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm số lượng rất thấp. Khoảng 80-90% máy móc sử dụng trong doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu.

Đại biểu đề nghị đầu tư cho khoa học công nghệ. Ứng dụng công nghệ trong nước là một trong những chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm.

“Hằng năm có quy định một tỷ lệ vốn nhất định trong tổng đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Cơ chế quản lý đầu tư khoa học công nghệ phải gắn với sản phẩm khoa học, gắn với doanh nghiệp, người lao động, sản xuất”, đại biểu bày tỏ.

Đứng trước những khó khăn nhất định của nền kinh tế, phát triển khoa học công nghệ là động lực phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần khơi dậy lòng tự hào dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Đẩy mạnh phong trào sáng tạo trong các đơn vị, cơ quan, bồi dưỡng niềm đam mê khoa  học cho thế hệ trẻ.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Qúy (Nghệ An) cho rằng, năng suất lao động của người Việt thấp do chưa đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Người lao động chỉ chú trọng sản xuất gia công.

Đại biểu cho biết thêm, chất lượng lao động thấp do giáo dục đào tạo chưa cao, cơ cấu đào tạo không hợp lý.

Phần lớn người lao động sau khi tốt nghiệp còn yếu về kỹ năng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chương trình quốc gia và đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ.

Thực hiện đặt hàng, khoán kinh phí và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu khoa học. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ về khoa học công nghệ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Khuyến khích tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN