Chỉ cần đăng ký kinh doanh, Uber có thể hoạt động ở VN
“Mọi hoạt động giao thông vận tải trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật của Việt Nam. Do vậy, dịch vụ Uber muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nói như vậy khi trao đổi về dịch vụ vận tải Uber đang gây nhiều tranh cãi những ngày qua.
Ông Hùng cho biết, dịch vụ Uber không chịu trách nhiệm về an toàn trong dịch vụ vận tải mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm. Như vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải qua Uber phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật. Bởi vì kinh doanh vận tải hành khách là loại hình vận tải có điều kiện.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia |
“Do vậy, tôi tin rằng nếu tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ Uber trên lãnh thổ Việt Nam đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam thì Uber sẽ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, sau khi có dịch vụ Uber, ông đã nghiên cứu và thấy rằng đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Dịch vụ này đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Việt Nam sau khi đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng có thẩm quyền thì hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ vận tải này. Mặt khác, dịch vụ này đã đem lại doanh thu cho doanh nghiệp từ lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo quy định của Việt Nam.
Theo ông Hùng, các doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đẩy nhanh giữa dịch vụ của mình với khách hàng và đảm bảo cái thuận tiện trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí là điều tốt.
“Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp cùng bộ ngành, Trung ương trình Chính phủ đề xuất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân muốn cung ứng dịch vụ đi chung xe thông qua dịch vụ Uber”, ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cho biết thêm, tại thời điểm hiện nay trên trang website của Uber ông chưa nhìn thấy những điều kiện phù hợp với pháp luật Việt Nam. Trong phần tiếng Việt trên trang website của Uber, vẫn ghi là thực hiện theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án tòa án Amsterdam để xử lý tranh chấp giữa Uber và những người mua bán dịch vụ thông qua Uber.
“Tôi cho rằng, các đại diện của Uber nên thực hiện việc đăng ký kinh doanh để đảm bảo hoạt động của Uber hoạt động theo pháp luật và được các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam bảo vệ”, ông Hùng nói.
Ngay sau khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ taxi Uber, Bộ GTVT cho rằng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình này nên 'bất kỳ hãng nào hoạt động đều là trái luật'.
Ông Hùng nói thêm: “Thời điểm đầu, Bộ GTVT căn cứ vào văn bản của Hiệp Đội taxi Việt Nam. Văn bản đó nói rằng đầy là một dịch vụ kinh doanh taxi. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, đây không phải là dịch vụ kinh doanh vận tải. Sau đó, Bộ Bộ GTVT có văn bản gửi cho các bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin, có nghiên cứu đánh giá thêm tính hợp pháp, hợp lệ của Uber. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ để có văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Uber”.
Theo tìm hiểu, người có nhu cầu đi xe có thể dùng ứng dụng Uber trên điện thoại di động để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với 1 chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết về lộ phí cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sẽ sắp có mặt đón khách.
Hành khách phải thanh toán phí cho chuyến đi thông qua thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, Mastercard… Ở TP.HCM cũng như loại hình “taxi” qua ứng dụng Uber thì số tiền này chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy hoa hồng 20%.
Uber là ứng dụng phần mềm trên điện thoại smartphone (ra đời năm 2009) để kết nối giữa khách hàng và lái xe taxi. Dịch vụ này được định giá lên tới 17 tỷ USD và đã xuất hiện tại 130 thành phố trên toàn thế giới. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng. |