Chi 5.000 đồng mua bao đựng, người nghèo được xã phát 0,4 kg gạo trị giá 4.000 đồng
Sau khi chính quyền phát phiếu nhận gạo Nhà nước hỗ trợ, nhiều người nghèo ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định "đầu tư" 5.000 đồng để mua bao đựng. Nhưng khi đến nơi, ai cũng chưng hửng vì chỉ nhận được hơn 0,4 kg gạo trị giá khoảng 4.000 đồng, tức không bằng số tiền mua bao để đựng.
Phó chủ tịch xã "bán chui" gạo hỗ trợ dân
Như mọi năm, vào dịp Tết Nguyên đán 3 năm 2020, 2021 và 2022, UBND xã Tây Giang được UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) phân bổ hàng chục tấn gạo để cấp phát hỗ trợ "đỏ lửa" cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
UBND xã Tây Giang, nơi xảy ra sai phạm trong việc hỗ trợ gạo cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn
Theo đó, các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn được UBND xã Tây Giang lên kế hoạch cấp phát gạo hỗ trợ mỗi năm với số lượng 15 kg gạo/hộ. Mặc dù đã phát đủ suất cho số hộ được nhận, nhưng do mỗi suất không đủ 15 kg nên số gạo từ chương trình hỗ trợ "đỏ lửa" trong 3 năm qua dư ra 17 bao với tổng trọng lượng 808 kg.
Số gạo dư ở trên sau đó được ông Đặng Văn Hậu, công chức UBND xã Tây Giang, đưa đến cất giữ tại Phòng Đài truyền thanh trong trụ sở UBND xã. Đến tháng 6-2022, phát hiện 17 bao gạo nói trên "không cánh mà bay", ông Hậu báo cáo vụ việc lên lãnh đạo UBND xã Tây Giang. Sau khi vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định "thủ phạm" 17 bao gạo "không cánh mà bay" là bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang.
Giải trình về vụ việc này, bà Trang cho biết bà là người được chủ tịch UBND xã giao nhiệm vụ điều hành, chỉ đạo việc cấp phát gạo "đỏ lửa" cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán từ năm 2000 đến 2022. Tuy nhiên, do tổ phát gạo của xã không kịp cân mà sử dụng xô để gạch định lượng số gạo hỗ trợ nên dẫn đến tình trạng mỗi suất gạo phát cho dân bị thiếu trọng lượng, tức không đủ 15 kg.
Nói về lý do 17 bao gạo "không cánh mà bay", bà Trang cho biết khi phát hiện số gạo phát dư nói trên bị mọt, ẩm mốc, bà không báo cáo cho cơ quan mà tự ý chỉ đạo người đưa ra ngoài bán với giá 7.800 đồng/kg. Với số tiền có được từ việc bán gạo này, bà Trang nói rằng sẽ dùng nó để tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn đột xuất trong thời gian tới, chứ không tư lợi cá nhân.
"Liên quan đến gạo hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách thì không có cơ chế nào để xử lý gạo tồn kho sau khi người dân đã nhận, ký đủ. Vì vậy, bản thân tôi thấy tận dụng bán lấy tiền, có nguồn để đó sau hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn đột xuất chứ không hề có tư lợi gì", bà Trang trần tình.
Chi 5.000 đồng mua bao đựng, nhận được 4.000 đồng gạo
Sau đó, người dân địa phương gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang Châu Thị Phương Trang cùng cán bộ liên quan cố tình "cắt xén" gạo hỗ trợ trong việc cấp phát và tự ý "thanh lý" 17 bao gạo nói trên.
Người dân nghèo xã Tây Giang trong một lần nhận quà của một đơn vị làm từ thiện
Để khắc phục hậu quả về hành vi sai phạm của mình, bà Trang mua lại 808 kg gạo khác để phát bù cho dân. Tuy nhiên, một lần nữa, nhiều người dân nghèo ở xã Tây Giang lại tiếp tục bức xúc sau khi nhận gạo "hỗ trợ" từ chính quyền địa phương.
Cụ thể, giữa tháng 2 vừa qua, hàng trăm hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại 6 thôn ở xã Tây Giang bất ngờ nhận được phiếu đến trụ sở thôn "nhận gạo Nhà nước hỗ trợ". Nghĩ rằng sẽ được nhận 15 kg gạo hỗ trợ như mọi khi, nhiều người đã bỏ ra 5.000 đồng mua bao để đến đựng gạo mang về nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi, ai cũng chưng hửng khi biết mỗi hộ chỉ nhận được 0,418 kg gạo cùng với lời giải thích của bà Châu Thị Phương Trang về việc phát số gạo này là để bù vào trọng lượng đã hỗ trợ thiếu trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.
Theo tính toán của phóng viên, với giá gạo bình thường tại địa phương khoảng 10.000 đồng/kg, như vậy nhiều người nghèo đã "lỗ" khi "đầu tư" 5.000 đồng mua bao đựng để đi nhận số gạo trị giá khoảng 4.000 đồng từ chính quyền địa phương.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết việc cấp phát gạo bù hơn 0,4 kg gạo nói trên là do xã thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện sau khi đưa ra bàn thảo phương án khắc phục sự việc. Mặc dù sự việc được khắc phục, nhưng ít nhiều ảnh hưởng nhiều đến uy tín cán bộ xã, tạo dư luận không tốt cho địa phương.
Theo ông Hùng, lỗi ở đây cũng có phần từ tập thể cán bộ, lãnh đạo xã Tây Giang quá quan liêu, biểu hiện cá nhân, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. "Số lượng gạo tồn kho rất lớn ngay trong trụ sở xã mà các lãnh đạo xã khi được hỏi không hay biết là thiếu tinh thần trách nhiệm cần chấn chỉnh ngay", ông Hùng nói.
Có dấu hiệu bao che? Với những sai phạm trên, tháng 11-2022, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Sơn đã có quyết định kỷ luật bà Châu Thị Phương Trang với hình thức cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm và ông Đặng Văn Hậu với hình thức khiển trách do "cân đong gạo hỗ trợ người dân thiếu chuẩn xác"… Trong khi đó, ông T.N.L (nguyên lãnh đạo xã Tây Giang) - người báo cáo, tố giác sự việc - cho biết sau khi gửi đơn tố giác, ông bị mời lên làm việc 3 lần, huyện Tây Sơn đòi kỷ luật ông do khiếu kiện vượt cấp. "Tuy nhiên, tôi thấy vụ việc đã rõ trắng đen nhưng cách làm việc của các ngành chức năng quá lâu, kéo dài 3 tháng, và chưa thấu đáo, có dấu hiệu bao che, sai bản chất nên tôi tiếp tục gửi đơn lên cấp cao hơn", ông L. nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thu thuế của các hộ kinh doanh nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước rồi bỏ trốn, Phan Tuấn Anh, nguyên cán bộ đội Thuế thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt.