Chỉ 4 ngày, Hà Nội hứng hơn 1/3 lượng mưa của cả năm
Lượng mưa trung bình hàng năm tại Hà Nội là 1.700mm nhưng chỉ trong 3-4 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, thành phố hứng 1/3 lượng mưa của cả năm, khoảng 650mm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10-9, khu vực nội thành Hà Nội có mưa to đến rất to sau bão số 3.
Đợt mưa này gây ngập úng, độ sâu từ 10-20 cm ở nhiều tuyến phố, một số nơi có nguy cơ ngập sâu hơn từ 25-30 cm, gây khó khăn di chuyển và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Mất 1 tiếng 30 phút để di chuyển 5km
Chị Hải Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tối hôm qua 9-9, chị di chuyển quãng đường hơn 5km từ Bệnh viện Bạch Mai về KĐT Kim Văn Kim Lũ bằng xe máy mất 1 tiếng rưỡi.
“Khoảng 7 giờ tối qua, đường Giải Phóng ngập sâu, rất nhiều xe chết máy, người dân phải dắt bộ dưới mưa như trút nước. Đường tắc, phải nhích từng bước, nhất là đoạn qua dự án hầm chui nút giao Kim Đồng - Giải Phóng. Tôi thấy kết thúc một ngày trong cảnh không lối thoát, thật mệt mỏi”, chị Linh thở dài.
Từ chiều qua đến sáng nay, Hà Nội có mưa lớn, nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Ảnh: PHI HÙNG
Tương tự, khi di chuyển từ đường Nguyễn Khánh Toàn về đường Dương Đình Nghệ, anh Đức Hiệp (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mưa lớn khiến hai tuyến đường này đều bị ngập úng nhiều điểm, đi lại rất khó khăn, có đoạn ùn tắc kéo dài, có ngã tư phải đợi năm nhịp đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện mới di chuyển được.
Nhiều tuyến đường có nguy cơ ngập úng kéo dài
Trao đổi với PLO, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay khi có thông tin và cảnh báo về bão số 3, đơn vị này đã chuẩn bị, lên phương án hành động, ứng phó với bão số 3.
Trong những ngày qua, 100% nhân sự của công ty, tương đương khoảng 2.000 người, thực hiện chế độ chống bão trên tất cả các vị trí: đường phố, kênh, mương, sông, hồ…
“Từ ngày 6-9 đến nay, chúng tôi vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch để ứng phó với bão số 3, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và thủy văn trên các sông.
Tất cả hệ thống trạm bơm, cửa của các hồ điều hòa đều được vận hành 100% công suất nhằm đưa nước nhanh nhất ra khỏi thành phố. Chúng tôi, duy trì chế độ ứng trực 24/24h, tại các điểm có nguy cơ ngập đều có người sẵn sàng xử lý, giải quyết thoát nước, hỗ trợ các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, hạn chế ách tắc”, ông Uyên thông tin nhanh.
Tuy nhiên, ông Uyên đánh giá lượng mưa do ảnh hưởng của bão số 3 lớn hơn dự kiến ban đầu. Thông thường, tại khu vực nội thành Hà Nội, tình trạng ngập úng tại các tuyến đường, tuyến phố diễn ra cục bộ khi mưa xuống. Tuy nhiên, sau 1-2 tiếng, phần lớn nước trên các đường, phố đều rút.
Lượng mưa trung bình hàng năm tại Hà Nội là khoảng 1.700mm. Trong khi đó, chỉ trong 3-4 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, Hà Nội đã ghi nhận tổng lượng mưa khoảng 650mm.
“Trong điều kiện không tiếp tục mưa, trong 1-2 ngày sẽ hết ngập úng cục bộ. Còn nếu tối và đêm nay, ngày mai tiếp tục mưa, nguy cơ các tuyến đường như Phùng Hưng, Cầu Bươu, Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn… sẽ bị ngập úng kéo dài”, ông Uyên nhận định.
Cùng đó, hiện các hồ điều hòa, thoát nước đều đang trong tầm kiểm soát, không có nguy cơ vỡ đập hồ hay ảnh hưởng đến các khu vực dân sinh. Trước đó, cũng đã có chuẩn bị, hạ thấp mực nước để sẵn sàng đón mưa.
“Chúng tôi đang tích cực bơm cưỡng bức để hạ thấp mực nước của các hồ trên địa bàn thành phố, chuẩn bị đón đợt mưa mới. Hiện nước sông Hồng đang ở mức báo động 1, nên theo quy định, trạm bơm Yên Sở vẫn có thể bơm nước từ hồ đẩy ra sông Hồng như bình thường, theo đúng quy trình. Chưa có thông báo cần phải ngừng quá trình này”, ông Uyên cho biết thêm.
Hiện, khu vực bị ngập úng nhiều nhất là phía Tây Hà Nội, phụ thuộc vào mực nước của sông Nhuệ, do Sở NN&PTNT TP. Hà Nội quản lý. Trong khi đó, mực nước tại sông này đang ở mức báo động 3, cảnh báo có nguy cơ tràn, cần đề phòng vỡ đập. |
Trưa nay (10/9), người dân trong ngõ 823 Hồng Hà (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm) hối hả chạy đồ đạc khi nước sông Hồng tràn vào.
Nguồn: [Link nguồn]