Chi 1 tỷ USD để tăng lương tối thiểu

Từ 1/7/2013, lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức 1.050.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Chi khoảng 1 tỷ USD để tăng lương 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/2013/NĐ-CP, ngày 27/6 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2013, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở được điều chỉnh dựa trên cơ sở khả năng ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nghị định nêu: “Mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/7/2013 và thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương và các chế độ khác có liên quan đến tiền lương của các cơ quan có thẩm quyền”.

Báo chí dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ, dự kiến kinh phí tăng thêm để thực hiện mức lương cơ sở là 21.700 tỷ đồng. (Với tỷ giá hiện hành 21.036 đồng/USD, quy đổi ra kinh phí tăng thêm để thực hiện mức lương cơ sở mới là khoảng 1 tỷ USD).

Số kinh phí này, theo Bộ Nội vụ, đã được bố trí trong dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương năm 2013.

Chi 1 tỷ USD để tăng lương tối thiểu - 1

Từ 1/7/2013, khoảng 8 triệu người sẽ được áp dụng mức lương cơ sở mới là 1.150.000 đồng/tháng

Trước đó, ngày 10/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Trong đó, một nội dung quan trọng của Nghị quyết là điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng, từ 1/7/2013.

Theo lộ trình đã được duyệt trước đó, mức tăng lương tối thiểu chung năm 2013 dự kiến là từ 1.050.000 đồng/tháng lên mức 1.300.000 đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu chi tăng lương này, nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể cần thêm khoảng 29.000 tỷ đồng phụ cấp công vụ. Điều này vượt quá khả năng cân đối thu ngân sách.

Phương án tăng 100.000 đồng/tháng được Bộ trưởng Tài chính thời điểm đó là ông Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đưa ra được coi là thích hợp và khả thi nhất.

6 nguồn kinh phí

Nghị định mới ban hành quy định về kinh phí thực hiện mức lương cơ sở mới. Theo đó, sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2013 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Đồng thời, sử dụng tối thiểu 40% số thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ năm 2013 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với số thu dịch vụ sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ.

Bên cạnh đó, sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, không kể tăng thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán thu năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2013 so với dự toán thu năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ giao).

Ngoài ra, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng các nguồn trên những vẫn thiếu.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn để đảm bảo quỹ phụ cấp tăng thêm do thực hiện mức lương cơ sở này theo mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định 29/2013/NĐ-CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN