Chen chân đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông: "Sẽ rất nguy hiểm"
Việc người dân tập trung rất đông để trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng quay trở lại.
Trong 2 ngày đầu tiên sau khi bàn giao và đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, lượng hành khách trải nghiệm tuyến được ghi nhận rất đông.
Cụ thể, ngay trong ngày đầu tiên khai thác (6/11), đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển 25.680 hành khách đi tàu. Con số này tăng lên gấp đôi ngay trong ngày thứ 2 chạy tàu với 141 lượt đoàn tàu, phục vụ 54.121 hành khách. Như vậy trung bình mỗi đoàn tàu chuyên chở 383 khách.
Theo ghi nhận, thực tế người dân có nhu cầu đi lại giữa các điểm trên tuyến không nhiều, hầu hết là vì hiếu kỳ, muốn trải nghiệm sự mới lạ của tuyến đường sắt này.
Do lượng hành khách quá đông đúc nên tại các ga và trên tàu không đảm bảo giãn cách theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (Ảnh: Thành Nam)
Trong khi đó, nhìn sang một loại hình phương tiện vận tải công cộng khác ngay ở Hà Nội là xe buýt thì vẫn phải đang thực hiện rất nghiêm ngặt các quy định đảm bảo bảo an toàn phòng chống dịch. Theo đó, xe buýt chỉ được hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt. Bên cạnh đó, thực hiện giãn cách trên xe buýt, xe buýt vận chuyển không quá 50% số chỗ (đứng, ngồi) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe).
Trao đổi với Người Đưa tin, BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bày tỏ lo ngại: “Trong yêu cầu phòng chống dịch, các phương tiện công cộng chỉ được hoạt động 50% số ghế và phải có khoảng cách giữa các hành khách. Cần phải hạn chế mật độ người ở trên tàu, xe,… vì đây là những không gian kín, rất dễ lây lan dịch bệnh. Việc một lượng lớn người tham gia trải nghiệm đi tàu như vậy sẽ rất nguy hiểm nếu trong số đó có người bị nhiễm Covid-19".
"Ngay cả khi những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì vẫn có nguy cơ mang vi-rút gây bệnh cho người khác. Ngoài ra, những người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, nếu đang thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19 thì không nên đến những nơi đông người", ông Thái cho biết thêm.
BS Phạm Quang Thái cũng nhấn mạnh cần phải đảm bảo việc khai báo sức khỏe, quản lý người đã sử dụng phương tiện để có phương án xử lý kịp thời.
Người Đưa Tin đã đem băn khoăn trên trao đổi với đại diện Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội – đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đơn vị này cho biết, trong 2 ngày đầu, tâm lý người dân háo hức trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động, đặc biệt 2 ngày vừa qua lại rơi đúng vào ngày nghỉ cuối tuần nên nhu cầu đi lại thực tế là rất lớn.
“Bên cạnh đó, đặc thù của tàu điện thì lại không giống xe buýt vì phần lớn là chỗ đứng và ghế thì lại ghế liền nên việc bố trí cũng khó khăn hơn”, đại diện Metro Hà Nội cho biết.
Hai ngày đầu đưa vào khai thác tuyến đường sắt lại trùng với hai ngày nghỉ cuối tuần nên nhu cầu trải nghiệm của người dân càng tăng cao (Ảnh: Thành Nam)
Về biện pháp, đại diện Metro Hà Nội cũng cho biết: “Trong xây dựng phương án chạy tàu chúng tôi cũng đã xây dựng các phương án xử lý trường hợp y tế khẩn cấp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Cụ thể, chúng tôi đã triển khai theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hành khách khi lên tàu phải khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bằng phiếu giấy, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang. Chúng tôi cũng bố trí trang thiết bị để phân luồng hành khách lên xuống trong ga. Đồng thời, tiến hành giãn cách theo từng tầng, khi khách ở tầng 3 chờ tàu giảm bớt thì mới để khách ở tầng 2 và tầng 1 di chuyển dần lên”.
“Chúng tôi cũng đã huy động nhân viên trên các tàu để nhắc nhở hành khách trong việc đảm bảo các quy định phòng chống dịch khi trên tàu. Trên tàu cũng dán mã QR-code, các khuyến cáo, đường dây nóng để hành khách phản ánh kịp thời”, Metro Hà Nội cho biết thêm.
Bên cạnh đó, đại điện Metro Hà Nội cũng cho biết, ngày hôm nay (8/11), lượng khách đi tàu trên toàn tuyến đã giảm hẳn và không còn tình trạng đông đúc như trong hai ngày đầu tiên mở cửa.
Về vấn đề trên, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, hiện nay vấn đề phòng chống dịch là trách nhiệm chính của Tp.Hà Nội, Bộ GTVT với vai trò phối hợp cũng thường xuyên cập nhật tình hình và trao đổi về những vấn đề phát sinh có liên quan.
"Trong 2 ngày đầu mới đưa vào khai thác, nhu cầu người dân đi lại rất lớn nên tại một số ga và thời điểm có xảy ra tình trạng tập trung đông người. Metro Hà Nội cũng đã có những biện pháp khắc phục như phân luồng, giãn cách tại các tầng... Trong ngày hôm nay tình trạng trên đã giảm hẳn. Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và khuyến nghị với đơn vị vận hành trong trường hợp cần thiết", ông Dũng cho biết thêm.
Sáng ngày 8/11, lượng khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông đã giảm nhiều so với 2 ngày vận hành đầu tiên. (Ảnh: Trọng Tùng)
Nguồn: [Link nguồn]
Trong ngày thứ 2 chạy tàu Cát Linh – Hà Đông đã có 141 chuyến tàu và có 54.121 người đi tàu. Trước đó, trong ngày đầu...