Chế độ thai sản cho sản phụ nông thôn?
Là một trong những ý kiến mà Hội LHPN Việt Nam gửi đến Quốc Hội, được ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Chủ tịch Hội LHPN VN) phát biểu tại buổi thảo luận góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sáng 23/5.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nên có chế độ thai sản cho phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, phụ nữ thất nghiệp, không có bảo hiểm xã hội… Hiện trong dự thảo Bộ luật lao động chỉ mới quy định chế độ thai sản với những phụ nữ có bảo hiểm xã hội. Trong khi đó việc quy định chế độ thai sản mới là 6 tháng như dự thảo luật còn nhằm bảo đảm cả sức khỏe trẻ sơ sinh, bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Do đó với những phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa, thất nghiệp, việc không có bảo hiểm xã hội cũng đồng nghĩa với việc con mình đẻ ra không được hưởng các chế độ như những đứa trẻ khác.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề xuất nên trợ cấp cho các những sản phụ là lao động tự do không có bảo hiểm xã hội. “có thể là một tháng lương cơ bản” - ông Nguyễn Văn Vẻ đề xuất.
Tại buổi góp ý dự thảo Bộ luật Lao động, theo đề nghị của UBTV Quốc Hội từ thực tế đóng góp cho dự thảo luật trước đó, có 4 vấn đề lớn được nhiều đại biểu tham gia ý kiến: thời hạn hợp đồng lao động có thời hạn; tuổi nghỉ hưu; chế độ thai sản và giờ làm thêm.
Đa số các đại biểu nhất trí với hợp đồng lao động có thời hạn nên áp dụng mức từ 12-72 tháng, và có thể tái ký thêm 2 lần nhưng tổng thời gian là 72 tháng. Điều này sẽ giúp điều luật có sự mềm dẻo, người lao động có thêm sự chọn lựa khi có nhu cầu chấm dứt hợp đồng đầu tiên.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu trong buổi thảo luận góp ý dự thảo Bộ luật lao động
Về độ tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến đồng ý tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa có sự công bằng. Bà Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu: “Nam và nữ tốt nghiệp đại học độ tuổi như nhau. Nhưng vì về hưu sớm hơn nam nên nữ sẽ không thể có bậc lương cao như nam khi về hưu và luôn nhận lương hưu ít hơn. Tôi đề xuất nên quy định thời hạn tăng lương của nữ là 2,5 năm/ lần, thay vì 3 năm/ lần để tạo sự công bằng”.
Đồng ý với ý kiến này, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng nên cộng thêm 5 năm bảo hiểm xã hội thay vì kéo ngắn thời hạn nâng bậc lương. Điều này sẽ đảm bảo ngang bằng bậc lương hưu của phụ nữ và nam giới.
Về thời gian làm thêm, đa số các đại biểu thống nhất phương án là 200 giờ/ năm. Đây là số giờ làm thêm vừa đảm bảo được thu nhập tăng thêm đồng thời bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng khi có mức quy định theo hướng giảm giờ làm thêm cần có thêm những yêu cầu với đối tượng sử dụng lao động nhằm đáp ứng thêm cho người lao động những nhu cầu vui chơi, giải trí… trong thời gian nghỉ. “Bởi 'nhàn cư vi bất thiện', với nhiều lao động, đặc biệt là công nhân độc thân ở các khu công nghiệp nếu không làm thêm, họ cũng chẳng biết làm gì, vui chơi gì” - bà Khá bày tỏ.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) - Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam trong buổi thảo luận góp ý dự thảo Bộ luật lao động vào sáng nay
Một ý kiến khác, được bày tỏ khá tâm huyết của đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) - chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam, khi ông cho rằng mức lương tối thiểu hiện chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu cuộc sống.
“Chính phủ cần lắng nghe hơn nữa, bởi với mức lương mà Chính phủ quy định, vô tình Chính phủ đã vi phạm khoản 1 - điều 92 của dự thảo là lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Ông Tùng cũng đề xuất nên kiểm soát chặt thang bảng lương của doanh nghiệp, yêu cầu đưa mức bù trượt giá vào lương và quy định mức thưởng vào luật, để tránh trường hợp doanh nghiệp cứ báo lỗ để “trốn” thưởng cho người lao động.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Sau đó vào 16h30, Quốc hội sẽ họp riêng, nghe tờ trình về việc bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đã làm phiên thảo luận sáng nay thêm sôi động khi cực lực phản đối việc cho nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới. Đại biểu An đưa một ví dụ: " Cho nghỉ như thế là rất lãng phí. Vì sao ngành y tế vì sao quá tải? Một trong những lý do là ngành này nhiều lao động nữ mà nữ thì nghỉ hưu sớm. Thực tế nghỉ hưu rồi nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá… đi làm ngoài rất nhiều, và thực tế họ vẫn làm rất tốt vì sức còn khỏe, trí tuệ, năng lực còn mình mẫn”. Bà Bùi Thị An nhấn mạnh, phụ nữ trong độ tuổi từ 55-60 là một nguồn lực lao động rất dồi dào và chất lượng, nên có một đề tài nghiên cứu về chỉ số IQ của phụ nữ trong độ tuổi này để thấy rõ nguồn lực đang bị bỏ phí này. “Ý kiến của tôi có thể là thiểu số tại Quốc Hội, nhưng tôi phải nói điều này. Tôi tin khóa này có thể chưa, nhưng khóa sau, khóa sau nữa quy định về độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ rồi sẽ được thay đổi, ngang bằng với nam giới” - Bà Bùi Thị An quả quyết. |