Chạy vòng quanh thế giới suốt 5 năm không cần đổ xăng, con tàu đang neo đậu tại TP.HCM có gì?
Tàu Energy Observer hiện đang dừng chân tại TP.HCM trên chuyến du hành vòng quanh thế giới trong hơn 5 năm mà không cần dùng nhiên liệu.
Tàu Energy Observer, con tàu đầu tiên tự hành và không phát thải, sử dụng 3 nguồn cung cấp năng lượng là mặt trời, nước biển và gió đang neo đậu tại TP.HCM. Đây là điểm dừng chân thứ 73 trong chuyến du hành vòng quanh thế giới và là điểm dừng chân cuối cùng trên chuyển hành trình Đông Nam Á của con tàu. Khởi hành vào năm 2017 từ cảng Saint-Malo, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.
Energy Observer có thiết kế 2 thân giúp giảm sức cản nước. Tàu có chiều dài 30m, rộng 12m, tốc độ tối đa lên đến 14 hải lý mỗi giờ.
Trên tàu có tổng cộng hơn 200 tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên hầu hết diện tích thân tàu để nhận năng lượng từ mặt trời.
Con tàu có 3 loại pin năng lượng, tuỳ vào vị trí lắp đặt sẽ sử dụng những tấm pin khác nhau. Chuyến du hành của con tàu mang sứ mệnh triển khai các thử nghiệm về năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Tàu hiện đang neo đậu tại cảng Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) từ 18-29/6. Theo kế hoạch, nhóm thuyền viên sẽ ghi nhận các vấn đề liên quan đến ô nhiễm, tái chế nhựa, tua-bin gió gần bờ, nặng lượng cac-bon… Phần đuôi tàu cũng được gắn các tấm pin năng lượng có kích thước khác nhau.
Các tấm pin này có khả năng chịu lực, cho phép thuyến viên bước đi thoải mái phía trên. Tại điểm neo đậu cảng Khánh Hội, các thuỷ thủ đoàn Energy Observer sẽ giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của tàu cho các khách mời.
Tàu có 2 cột buồm được điều khiển bằng điện ở hai thân. Năng lượng gió từ 2 cột buồm này chỉ sử dụng trực tiếp.
Mỗi bên thân tàu có một buồng chứa khí hydro được sản xuất trực tiếp trên tàu với nguyên liệu là nước biển nhằm cung cấp điện cho tàu.
Trên nóc tàu có đầy đủ các thiết bị đi biển cần thiết như tàu thông thường như camera, radar, hệ thống đèn định vị…
Energy Observer là tàu nghiên cứu khoa học nên phần lớn không gian trên tàu được tập trung cho các trang thiết bị liên quan đến việc nghiên cứu.
Giữa hai thân tàu gắn thêm xuồng nhỏ cứu sinh và không gian sinh hoạt, giải trí có mái che cho thuỷ thủ.
Không gian bên trong tàu khá thoải mái, đầy đủ cho các thành viên tàu nghiên cứu, vận hành, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Trung tâm bên trong tàu là màn hình để các thuyền viên nhận biết dễ dàng các hư hỏng, kiểm tra và quản lý hệ thống trên tàu.
Tàu được thiết kế rất tiện lợi với các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày như phòng bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh…
Nguồn: [Link nguồn]