Chạy lũ bên dòng Kiến Giang

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quảng Bình - Nước sông Kiến Giang tràn vào khu dân cư lúc rạng sáng, ông Lê Đức Hợp cùng mọi người hối hả đến nhà cao trú tránh, lo lặp lại lũ lịch sử năm 2020.

Nằm cách sông Kiến Giang hơn 100 m, khu dân cư thôn Đông, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh có hàng trăm hộ dân sinh sống. Ngày 27/10, khi bão Trà Mi đổ bộ Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thì tại Quảng Bình mưa xối xả từ sáng đến chiều. Nước sông chuyển sang màu vàng đục ngầu, xấp xỉ mép đường, cuốn theo nhiều rác về xuôi. Người dân nháo nhác hỏi nhau "liệu có lụt không".

Cùng lúc chính quyền phát loa yêu cầu người dân chủ động di dời tài sản, vật dụng lên chỗ cao, lúc nước dâng thì phải sang nhà hàng xóm cao tầng hoặc nhà văn hóa thôn đề phòng nguy hiểm. Tuy nhiên, tối 27/10 sau khi bão tan, trời tạnh mưa, một số người chủ quan chưa chuyển tài sản, định nán lại nhà ngủ qua đêm. Đến 0h ngày 28/10, trời mưa to trở lại, hai tiếng sau nước sông Kiến Giang tràn ào ào vào khu dân cư, ông Lê Đức Hợp, 56 tuổi, trưởng thôn Đông cho biết.

Người dân Quảng Bình kể khoảnh khắc nước lũ tràn vào nhà sau bão Trà Mi. Ảnh: Võ Thạnh - Anh Phú

Trong đêm mưa mù mịt, chính quyền cho người chạy cano vào các khu dân cư phát loa liên tục, yêu cầu tất cả những ai đang sống trong nhà thấp phải sang nhà cao khẩn cấp. Lúc 2h, nước tràn vào nhà dân 30-40 cm, mọi người trong thôn hốt hoảng, không kịp di dời tài sản cần thiết. Tiếng nói, bàn tán xôn xao trong đêm mưa. Nhà ở khu vực này xen kẽ cấp 4 và cao 2-3 tầng, vì thế người dân di tản tại chỗ, hộ nhà thấp sang nhà cao. Trẻ em, người già ưu tiên đi trước.

Là trưởng thôn, ông Hợp phải lo vận động chống lũ từ chiều đến khuya. Khi lũ ập tới, ông chỉ kịp về đưa vợ đang đau ốm lên gác hai tránh trú. Tivi, tủ lạnh, bếp gas, máy giặt, thùng phuy đựng lúa, lạc... ở dưới tầng một bị nước nhấn chìm. Cảnh tượng tương tự trận lũ lịch sử năm 2020. Năm ấy, nhà ông ngập 2 m.

"Mọi người chạy lũ trong một tiếng, đến sáng 28/10 thì nước đã ngập cả thôn, sâu 1,6 m. So với đỉnh lũ năm 2020 thì còn 40 cm nữa", ông Hợp nói. Sau 4 năm mới phải chạy lũ, cả đêm ông không thể chợp mắt, thỉnh thoảng nhìn ra sông Kiến Giang. Bằng kinh nghiệm thấy nước tăng nhẹ, ông dự đoán nếu hôm nay trời vẫn mưa to thì nguy cơ nhà sẽ bị ngập hơn 2 m.

Cũng nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy ngập nặng, đường biến thành sông. Hai thiếu niên chèo thuyền trên đường ở huyện Lệ Thủy ngày 28/10. Ảnh: Võ Thạnh

Cũng nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy ngập nặng, đường biến thành sông. Hai thiếu niên chèo thuyền trên đường ở huyện Lệ Thủy ngày 28/10. Ảnh: Võ Thạnh

Cùng thời điểm 2h ngày 28/10, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh nằm ở ngã ba sông Kiến Giang và Long Đại, nước ào ạt tràn vào khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Do mất điện nên mọi người hô lớn, rọi đèn pin tứ phía để tìm đường đi tránh trú. Tuy nhiên, nhiều người vì lo lắng, vội vã nên sẩy chân vào vũng sâu hoặc mương nhỏ, may mắn được cứu, theo ông Phạm Văn Phương.

4h, nước đã dâng gần một mét, không thể lội bộ, ông Phương cùng một số hàng xóm dùng thuyền gỗ tới nhà các cụ già đang sống trên gác tại ngõ nhỏ, chở tới nhà văn hóa thôn. "Chúng tôi được phổ biến xảy ra lũ là mẹ đến nhà con, hàng xóm tới nhà nhau", ông nói. Lo cho bà con trong thôn, còn nhà mình ông chỉ kịp đóng kín cửa, cột đàn trâu ở mái hiên.

Cả đêm qua, các gia đình ở thôn Đồng Tư thức trắng theo dõi diến biến mưa lũ. Ba người con của ông Phương đang làm ăn xa ở miền Nam gọi điện thoại cho bố không được nên nháo nhào gọi cho người thân hỏi han. Đến sáng nay, khi kết nối được, đầu dây bên kia là tiếng khóc của con gái, ông Phương phải động viên "không sao". Điện thoại luôn nhận được tin nhắn hỏi thăm từ họ hàng, nhưng ông không thể trả lời bởi lo máy hết pin, không thể liên lạc trong lũ.

Ông Phương chia sẻ lo nhất là giải quyết hậu lũ bởi vùng này nằm bên sông nên nước rút rất chậm, 2-3 ngày mới hết. Triều cường lại đang cao, việc rút nước ra biển vì thế càng chậm. Dù một số đồ điện tử cháy, xe máy bị ngập nguy cơ hỏng, song ông bảo "người quan trọng nhất, tài sản có thể làm ra".Đàn bò được ông đưa lên hiên nhà, nhưng vẫn ngập tới bụng.

Đàn trâu nhà ông Phương được cột ở mái hiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đàn trâu nhà ông Phương được cột ở mái hiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Trần Văn Lai, Chủ tịch xã Hiền Ninh, đến sáng nay, trời mưa nhỏ, nước rút khoảng 10-15 cm, tuy nhiên mây đen đang xuất hiện, khả năng mưa lớn trở lại. Nguy cơ tái hiện lũ lịch sử 2020 vẫn hiện hữu. Các lực lượng đang nỗ lực di chuyển người dân từ vùng thấp lên vùng cao bằng nhiều phương tiện.

Ảnh hưởng bão Trà Mi và không khí lạnh, tỉnh Quảng Bình ghi nhận một người chết do lũ cuốn khi tham gia cứu hộ tại hạ lưu đập Thanh Sơn chiều 27/10. Hai người đang mất tích do lật thuyền ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh.

Thống kê đến sáng nay, toàn tỉnh ghi nhận 32.000 hộ dân bị ngập, trong đó huyện Lệ Thủy gần 20.000, Quảng Ninh 12.000, hơn 9.000 hộ phải sơ tán tại chỗ. 58 thôn, bản bị nước lũ chia cắt. Các tuyến đường bị ngập 76 điểm, trong đó quốc lộ 1 có 5 điểm ngập, sâu nhất 60 cm. Đường Hồ Chí Minh qua xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy ngập dài 800 m, sâu nhất 80 cm.

Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó tỉnh thiệt hại nặng nề do hứng hai đợt lũ ngày 6-13/10 và 16-21/10. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang năm 1979 là 3,91 m, nhưng ngày 19/10/2020 lên 4,88 m. Toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Quảng Bình - UBND huyện Lệ Thủy đề nghị các đoàn cứu hộ tạm dừng vào vùng lũ do nước sông Kiến Giang vượt báo động cả mét, việc di chuyển tiềm ẩn rủi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hùng - Võ Thạnh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN