Cháy chung cư 13 người chết: Làm sao thoát hiểm và tránh ngạt khói?
Vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP.HCM khiến ít nhất 13 người tử vong vừa xảy ra trong đêm khiến tất cả chúng ta bàng hoàng. Mặc dù rất buồn nhưng một lần nữa chúng ta cần nhắc lại cách xử trí khi vụ cháy chung cư cao tầng xảy ra.
Bình tĩnh
Khi thấy cháy, bạn không được hoảng sợ. Điều đầu tiên bạn làm là phải thật bình tĩnh, gọi điện ngay báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (114). Tiếp đó, tìm cách chạy ra ngoài khu vực ban công hoặc sân thượng để tìm sự giúp đỡ.
Xác định nguồn khói
Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt, không sử dụng thang máy để thoát hiểm khi tòa nhà xuất hiện cháy.
Nếu trường hợp khói xuất phát từ các tầng dưới, điều đầu tiên bạn cần phải làm là di chuyển nhanh xuống dưới và thoát ra ngoài ( nếu bạn ở tầng thấp). Nhưng nếu ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát.
Xác định hướng gió
Mục đích của việc xác định hướng gió là để chọn góc lánh nạn hợp lý, làm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi....
Dùng khăn ướt che kín mũi để thoát ra ngoài
Trong trường hợp người dân bị lửa bao vây thì phải bình tĩnh tìm lối thoát ra ngoài. Trước khi thoát ra ngoài phải làm ướt mình, lấy khăn ướt che kín, miệng, mũi. bởi lúc này, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn.
Cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển
Khói thường nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Vì vậy phía dưới sát sàn thường có một lượng oxi đủ để chúng ta thở và tránh được việc ngạt khói.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nín thở vài mươi giây khi khói độc tới, chú ý không la to vì sẽ bị ngạt khói ngay.
Cúi thấp người khi di chuyển để tránh ngạt khói.
Phải làm gì khi bị lửa cháy vào quần áo?
Trong trường hợp bị lửa làm cháy quần áo, thì phải ngưng chuyển động ngay, sau đó che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại nhiều lần cho đến khi lửa được dập tắt. Tuyệt đối không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm.
Những dụng cụ hỗ trợ nên có trong nhà khi xảy ra cháy nổ
Bình chữa cháy mini:
Để phòng cháy chữa cháy khi sự cố cháy, nổ xảy ra, mỗi hộ gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy mini để trong ngôi nhà của mình.
Thang dây:
Mua thêm thang dây để trong nhà. Khi xảy ra sự cố, bạn có thể thả thang dây từ trên ban công xuống phía dưới nhà để thoát nạn.
Mặt nạ dưỡng khí:
Đối với các gia đình sống tại các tòa chung cư cao tầng nên sắm vài chiếc mặt nạ dưỡng khí để phòng tránh những trường hợp xấu khi có quá nhiều khói độc mà chưa "thoát thân" được.
Kìm, xà beng:
Các hộ gia đình cần thiết phải có kìm ( để cắt lưới bảo vệ an toàn ngoài ban công ở chung cư) và xà beng( đối với hộ gia đình). Trong trường hợp không mở được khóa ban công hoặc sân thượng thì dùng xà beng phá cửa để thoát ra ngoài.
Cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.
Nếu có nhân viên y tế sẽ cho nạn nhân thở mặt nạ ôxy liều cao, đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh… Nếu không có nhân viên y tế, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự:
- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.
- Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân đồng thời gọi cấp cứu 115.
- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.
Nhìn từ xa cũng có thể thấy khói đen bao phủ các tòa nhà cao tầng ở khu chung cư này.