Chạy cả trăm cây số từ Quảng Nam ra Đà Nẵng xin sửa tên bệnh chỉ vì... thừa mở ngoặc

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

“Trên giấy tờ của bệnh viện ghi “Phẫu thuật thay van tim (thay van hai lá, sửa van ba lá)” nhưng địa phương bắt ghi đúng tên bệnh 5 chữ y chang như trong danh mục bệnh của Nghị quyết quy định. Thừa, thiếu chữ, mở ngoặc chú thích thêm cũng không được, chị N.T. bức xúc.

Rất nhiều người dân ở Quảng Nam như chị đã phải lặn lội ra Đà Nẵng xin chỉnh sửa tên bệnh cho đúng như trong danh mục Nghị quyết 29 của tỉnh để được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Rất nhiều cụ già từ Quảng Nam lặn lội ra Đà Nẵng xin sửa tên bệnh cho khớp với Nghị quyết. Ảnh: T.H.

Rất nhiều cụ già từ Quảng Nam lặn lội ra Đà Nẵng xin sửa tên bệnh cho khớp với Nghị quyết. Ảnh: T.H.

Chị T. cho hay mẹ chị ở huyện Hiệp Đức từng ra Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật thay van tim. Trong xác nhận thông tin bệnh án, bệnh viện ghi “Phẫu thuật thay van tim (thay van hai lá, sửa van ba lá)”. Chị mang giấy tờ lên xã để làm thủ tục hưởng chính sách nhưng không được chấp nhận. Địa phương yêu cầu phải ghi chính xác “Phẫu thuật thay van tim”, không có thêm phần mở ngoặc phía sau. Chị T. lại đến bệnh viện lần nữa xin điều chỉnh. “Bệnh viện cũng không thể sửa được vì họ ghi chính xác bệnh, phương pháp điều trị. Chưa kể nếu sau này người nhà tôi cần chuyển đi nơi khác điều trị, các bệnh viện khác cũng cần thông tin trước đây đã được can thiệp như thế nào. Thà ghi sai bệnh, bắt điều chỉnh thì chấp nhận. Đằng này lại làm khó người bệnh chỉ vì cái mở ngoặc!”, chị bức xúc.

Anh D.C. (huyện Thăng Bình) kể, bố anh bị rất nhiều bệnh: suy thận mạn, tiểu đường, tim, suyễn…và ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị từ năm 2022. Mới đây, anh cầm thông tin điều trị của bố lên xã, trong đó ghi bệnh “suy thận mạn” và “bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ”. Cả hai bệnh này đều không được chấp nhận để được hưởng trợ giúp, vì không đúng với tên trong danh mục của nghị quyết 29. Xã đề nghị anh ra bệnh viện xác nhận lại bệnh, ghi đúng “suy thận”, “bệnh cơ tim” như trong danh mục. “Tôi đem ra bệnh viện nhờ điều chỉnh nhưng không được. Giờ không biết làm cách nào cả. Cha tôi đã hơn 70 tuổi, rất nhiều bệnh trong người, rất cần hỗ trợ mà giờ đành bó tay chỉ vì…thừa một chữ”, anh C. bất lực.

Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, trường hợp “suy thận mạn” đã ghi đúng tên và mức độ bệnh, “bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ” rõ ràng tình trạng bệnh. Tuy nhiên các địa phương vẫn bắt bẻ phải sửa lại. “Một số trường hợp bệnh viện có thể điều chỉnh cho bệnh nhân, nhưng nhiều trường hợp đành bó tay vì phải ghi tên bệnh đúng theo y học, tình trạng bệnh, không thể “uốn” cho khớp với danh mục trong Nghị quyết”, bác sĩ này nói.

Không thể điều chỉnh vì quá vô lý

Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đà Nẵng, khoảng hai tháng trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có người dân Quảng Nam đến bệnh viện xin điều chỉnh lại tên bệnh, tội nhất là những cụ già đội mưa gió đi. Có ngày hàng chục trường hợp. Có người mắc 4 bệnh, bệnh viện ghi đủ cả 4 nhưng về địa phương lại bắt điều chỉnh bỏ đi 3, chỉ để lại 1 bệnh trong danh mục. Có trường hợp mang giấy ra viện đến xã nộp, xã bắt ra ngược lại bệnh viện để bệnh viện xác nhận lại nội dung trong giấy ra viện do chính bệnh viện cấp. “Như thế không khác nào đi làm thủ tục hành chính, trình căn cước công dân nhưng phải đi xin xác nhận lại nội dung trong căn cước mới được làm. Thật sự quá máy móc, rườm rà, làm tội người dân”, một bác sĩ bất bình.

Chỉ vì phần mở ngoặc, người dân Quảng Nam phải lặn lội ra Đà Nẵng xin sửa tên bệnh.

Chỉ vì phần mở ngoặc, người dân Quảng Nam phải lặn lội ra Đà Nẵng xin sửa tên bệnh.

Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều yêu cầu điều chỉnh hết sức vô lý, như phải ghi đúng tên bệnh “nhồi máu cơ tim lần đầu” theo danh mục. Dù không thể xác định được chính xác người bệnh bị nhồi máu cơ tim lần thứ mấy, trong khi có cả “nhồi máu cơ tim im lặng”, nghĩa là nhồi máu cơ tim không có triệu chứng, bệnh nhân không đến khám, không nhập viện nên không thể nào xác định tại thời điểm nhập viện có phải lần đầu tiên hay không. Hơn nữa, việc khẳng định là nhồi máu cơ tim lần thứ mấy hoàn toàn dựa vào lời khai của người bệnh, điều này không khách quan và không có cơ sở. Mặt khác, theo bệnh viện, nếu “nhồi máu cơ tim lần đầu “là bệnh hiểm nghèo thì những lần nhồi máu cơ tim sau, chức năng tim đã ảnh hưởng nặng nề hơn thì có còn được coi là bệnh hiểm nghèo? Chưa kể, “nhồi máu cơ tim lần đầu” cũng không hề có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Nghị quyết số 29/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định một số mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ. Bà Trương Thị Lộc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho hay đã nắm được thông tin người dân phản ánh những ngày qua, hiện Sở đang kiểm tra, xác minh lại.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị chức rà soát lại danh mục bệnh trong nghị quyết. Nếu thấy bất cập, không phù hợp sẽ điều chỉnh theo hướng đúng đối tượng, có lợi cho người dân.

Từ thông tin đăng tìm người trên báo, gia đình người bệnh vô danh nhập viện suốt ba tháng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã liên lạc và nhận lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hiền ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN