Cháu gái bà Trương Mỹ Lan khai gì trong ngày đầu xét xử?
Tại phần khai lý lịch, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) khai trình độ học vấn 12/12 và bản thân làm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tổng giám đốc Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor khi phạm tội.
Bị cáo Trương Huệ Vân khai báo lý lịch tại phiên tòa.
Sáng 5/3, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Trong phiên làm việc buổi sáng, HĐXX hỏi về phần nhân thân của các bị cáo và thông tin về quyền, nghĩa vụ của bị cáo tại phiên tòa.
Tại phần khai lý lịch, bị cáo Trương Huệ Vân (36 tuổi, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) khai trình độ học vấn 12/12 và bản thân làm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tổng giám đốc Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor khi phạm tội.
Khai với HĐXX, bị cáo Trương Huệ Vân cho biết bản thân không có tiền án, tiền sự, có một chồng và hai con; bị cáo bị bắt giam vào ngày 7/10/2022. Tuy nhiên, trong cáo trạng, bị cáo Trương Huệ Vân bị bắt tạm giam vào ngày 8/10/2022. Sau đó, HĐXX đã yêu cầu Viện kiểm sát kiểm tra lại thông tin này.
Theo cáo trạng, bà Trương Huệ Vân bị cáo buộc về hành vi “Tham ô tài sản”. Bà Trương Huệ Vân là cháu ruột của Trương Mỹ Lan nên được Lan tin tưởng giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Tanifood, Công ty Cổ phần Sài Gòn Galleria và Công ty Cổ phần Eurasia Concept.
Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên làm việc tại Tập đoàn VTP từ năm 2019, được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau trong các Công ty Diamond Capital, Công ty Alpha King, trong đó Đặng Quang Nguyên làm việc dưới sự quản lý, chỉ đạo của Trương Huệ Vân.
Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa sáng 5/3.
Năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood. Quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.
Từ năm 2020, Lan còn chỉ đạo Vân cho thành lập các Công ty “ma”, thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.
Do đó, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma”; phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.
Như vậy, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma” và 4 Công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để Lan và Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB.
Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại phát sinh hơn 25 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định, Trương Huệ Vân đã thành khẩn khai báo, là cháu ruột đồng thời được bà Trương Mỹ Lan nhận làm con nên "răm rắp làm theo chỉ đạo mà không thắc mắc gì". Đồng thời, Vân đã nhận thức rõ hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; tự nguyện tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả...nên được đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình. |
Nguồn: [Link nguồn]
TP HCM - Ngày 5/3, vợ chồng bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân... và nhiều bị cáo bị xét xử về hàng loạt hành vi trong vụ án chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB.