Châu Âu ráo riết lo đối phó với các cuộc tấn công khủng bố

Các quốc gia châu Âu đã nâng mức đe dọa khủng bố vào cuối tuần vì lo ngại làn sóng khủng bố toàn cầu trong tháng Ramadan thiêng liêng của Hồi Giáo sau khi các cuộc tấn công ngày 26.6 xảy gần như đồng thời ở 3 châu lục làm trên 60 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khiến cả thế giới choáng váng.

Châu Âu ráo riết lo đối phó với các cuộc tấn công khủng bố - 1

Giới chức an ninh châu Âu đã thắt chặt an ninh tại các địa điểm nhạy cảm, dễ bị tấn công trong dịp lễ Ramadan linh thiêng của Hồi giáo.

Theo VOA News, các phần tử thánh chiến đã nhiều lần thực hiện những cuộc tấn công khủng bố nhân lễ Ramadan và tương tự năm nay, giới chức an ninh đang quan ngại về nguy cơ sẽ xảy ra thêm nhiều cuộc tấn công khủng bố đẫm máu dịp Ramadan trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS).

Mới đây, IS đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm trong những vụ đánh bom, chặt đầu, xả súng diễn ra gần như cùng lúc tại các nước Pháp, Kuwait và Tunisia ở 3 châu lục khác nhau ngày 26.6. Ở Tunisia, ít nhất 37 người đã bị bắn chết trong một vụ xả súng ở khu nghỉ dưỡng. Các nnaj nhân hầu hết là du khách phương Tây. Ở Kuwait, 25 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát. Ở Pháp, một nạn nhân bị chặt đầu và bị treo lên hàng rào cùng những lá cờ có chữ Hồi giáo.

 Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano nhấn mạnh: “Không có nước nào là không gặp nguy hiểm. Chúng tôi đã nâng mức báo động trong các đơn vị an ninh chịu tránh nhiệm bảo vệ những nơi trọng yếu, nhạy cảm, có nguy cơ bị tấn công cao. Chúng ta đã chứng kiến 3 vụ tấn công được thực hiện tại 3 nơi trên thế giới khiến hàng trăm người thiệt mạng. Những vụ tấn công này chính là hành vi bạo động và khủng bố".

Theo ông Alfano, vào ngày 26.6, khi 3 vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở Pháp, Kuwait và Tunisia, cảnh sát Italy cũng bắt được một nghi phạm người Pakistan bị cáo buộc vạch kế hoạch tấn công một ngôi chợ ở Peshawar vào năm 2009 làm hơn 130 người thiệt mạng.

Các nhân viên chống khủng bố Italy nghi ngờ tên này là một thành viên của một tổ chức cực đoan ở Italy đang âm mưu tấn công thành phố Rome, trong đó bao gồm cả Vatican. Vatican đã nhận được các đe dọa tấn công nhắm vào những nhân vật cấp cao từ những phần tử cực đoan có liên hệ với IS.

Các nhà phân tích cho hay, vào dịp Ramadan, có một sự thúc giục mạnh mẽ các phần tử thánh chiến thực hiện những cuộc tấn công “chết chóc”. 

Châu Âu ráo riết lo đối phó với các cuộc tấn công khủng bố - 2

Các nước châu Âu đang lo ngại làn sóng tấn công khủng bố toàn cầu trong dịp lễ Ramadan của người Hồi giáo

Trước đó, các cơ quan tình báo phương Tây, Trung Đông và Bắc Phi đã dự đoán về nguy cơ làn sóng khủng bố dữ dội sắp xảy ra kể từ khi các phần tử thánh chiến trung thành với IS thực hiện cuộc tấn công chết người vào viện bảo tàng nổi tiếng ở Tunisia, Bardo hồi tháng 3 làm 21 người thiệt mạng.

Đây được xem là vụ tấn công khủng bố chết chóc nhất có liên quan đến IS xảy ra bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria trước vụ tấn công ngày 26.6 vừa qua. Say khi tấn công viện bảo tàng Bardo, IS đăng tải thông điệp "Ta sẽ đến Tunisa mùa Hè này" lên mạng, cảnh báo sẽ lên kế hoạch tấn công nhằm vào mục tiêu là du khách phương Tây đi nghỉ hè tại Tunisia.

Mối quan ngại của các cơ quan tình báo tăng thêm khi vào tuần trước, trong một tuyên bố, phát ngôn viên của IS, Abu Muhammad al-Adnani kêu gọi những người ủng hộ tổ chức này đồng loạt tấn công nhân dịp tháng Ramadan.

Cách đây một năm, vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan năm ngoái, chính Abu Bakr al-Baghdadi là người loan báo việc IS thành lập Vương quốc Hồi Giáo kéo dài từ Syria đến Iraq.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quan chức an ninh phương Tây cho biết, họ chưa nắm được thông tin tình báo cụ thể về mức độ phối hợp giữa những kẻ tấn công (nếu có) cũng như các kế hoạch mà IS đạo diễn và chỉ đạo.a

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN